Gia tăng áp lực tỷ giá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá USD đã bất ngờ dần tăng cao thời gian gần đây. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất khiến đồng USD trên thế giới tăng giá mạnh và điều này có gây áp lực đến tỷ giá trong nước hay không?

USD liên tục tăng
Chỉ trong tuần qua, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 70 đồng/USD, liên tục lập đỉnh mới vượt ngưỡng 22.900 đồng/USD. Còn so với trước Tết, tỷ giá USD trong hệ thống ngân hàng tăng 170-190 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng liên tục tăng tỷ giá trung tâm với mức tăng tổng cộng 50 đồng chỉ trong 10 ngày qua, đứng ở mức 22.617 đồng/USD. Giá USD trên thị trường tự do giữ đà tăng mạnh, phổ biến ở mức 23.080 đồng (mua vào) và 23.120 đồng (bán ra).
 Giá USD ngân hàng liên tục tăng trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Hùng
Trên thế giới, đồng USD vẫn đang được hỗ trợ bởi luồng dữ liệu kinh tế tốt của Mỹ và Fed tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, dự kiến nâng lãi suất cơ bản thêm khoảng 2 lần năm 2018 và 3 lần năm 2019. Trước đó, các chuyên gia dự báo, việc Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất sẽ khiến đồng USD trên thế giới tăng giá mạnh và điều này sẽ mang đến áp lực nhiều hơn cho tỷ giá trong nước.

Tiếp nối chuỗi ngày tăng giá, tỷ giá USD tại các ngân hàng sáng 22/6 tiếp tục tăng mạnh thêm từ 30 - 41 đồng mỗi chiều mua - bán. Thống kê 10 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn: Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.860 - 22.930 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng; BIDV, Techcombank, ACB, Eximbank cũng đồng loạt tăng 30 đồng, niêm yết phổ biến ở 22.840 - 22.930 VND/USD (mua vào - bán ra). Giá bán thấp nhất thuộc về 2 ngân hàng Vietcombank, BIDV, ở mức 22.930 đồng/USD. Giá bán cao nhất thuộc về các ngân hàng như ACB, Sacombank, LienVietPostBank, DongA Bank, ở mức 22.950 đồng/USD.

Cùng với nguyên nhân trên, theo các ngân hàng, tỷ giá còn chịu áp lực do một lượng ngoại tệ đến hạn thanh toán về NHNN trong tuần; những diễn biến của TTCK gần đây tác động tâm lý người dân; Lãi suất VND giảm mạnh cũng khiến nhu cầu nắm giữ USD tăng cao, từ đó tác động đến giá USD trong nước.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, dù giá USD tăng nhưng thanh khoản vẫn tốt, nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào, không xuất hiện tình trạng căng thẳng, biểu hiện ở việc không có hiện tượng găm giữ mà ngân hàng vẫn mua được ngoại tệ từ DN. Đại diện NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối được gửi về nước rất ổn định và tăng dần đều. “Lợi thế về nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua từ nguồn ngoại tệ dồi dào của các DN xuất khẩu, du lịch và kiều hối… đã hỗ trợ rất nhiều cho cân đối cung - cầu sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỷ giá khi cần thiết” - đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra nhận định.

Chủ động ứng phó

Dù không quá đáng quan ngại do quan hệ cung - cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá ổn, song các chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ chịu không ít áp lực.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đánh giá, tác động trực tiếp của việc FED tăng lãi suất lên nền kinh tế Việt Nam chưa rõ, do các dòng vốn đầu tư hiện nay là dài hạn, và vốn từ Mỹ chưa nhiều. Song trong điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt “tác động gián tiếp là có thể, bởi dòng tiền thông minh sẽ hạn chế chảy về các thị trường mới nổi, mà quay về bản quốc. Điều này cũng có nghĩa là nguồn tiền thông minh sẽ hạn chế chảy vào Việt Nam”. Cộng hưởng với những yếu tố bất ổn trong môi trường kinh tế toàn cầu đang gia tăng như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị… các chuyên gia của WB cho rằng sẽ tạo ra những khó khăn lớn hơn cho kinh tế Việt Nam và trở thành thử thách thực sự đối với quá trình điều hành của Chính phủ, cũng như hoạt động của các NHTM.

Liên quan đến các vấn đề về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng, “cần tiếp tục bám sát tình hình tỷ giá”. Chính sách tiền tệ của NHNN cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, nhạy bén của giai đoạn vừa qua, phối hợp chặt chẽ cùng chính sách tài khóa để Việt Nam có thể duy trì được các thành quả trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và tạo được niềm tin đối với thị trường.

“Tỷ giá có thể tăng 1 - 3% do còn nhiều ẩn số tác động từ tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam, nhất là khi USD tăng giá, nhu cầu về USD sẽ càng tăng lên, tạo thành áp lực ngoại tệ cho thị trường ngoại hối” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Giá USD tăng trong thời gian qua cũng khiến DN dựa vào nhập khẩu lo lắng. Nhiều DN đang phải tính tới phương án tăng giá sản phẩm. Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, trường hợp này, DN vay USD nên đàm phán thay đổi chính sách lãi suất vay USD từ lãi suất thả nổi sang lãi suất vay cố định. DN nên chủ động phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn sử dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau.

"Việt Nam đã hội nhập cao với các nước khác, cần đa dạng hóa giỏ xuất khẩu, đặc biệt là thương mại khu vực nội vùng ASEAN. Bên cạnh đó, các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ để thu hút dòng vốn và gia tăng niềm tin từ luồng vốn đồng thời hỗ trợ cho khu vực tư nhân mạnh mẽ, thúc đẩy xuất khẩu tạo thặng dư. " - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt