Gia tăng bạo lực học đường

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, trên trang mạng xã hội Facebook đăng tải tần suất ngày càng nhiều các clip ghi lại hình ảnh nhóm thanh, thiếu niên trong độ tuổi học sinh tổ chức đánh hoặc lột quần áo, lăng nhục bạn.

Clip cũng ghi nhận đám đông (phần lớn cùng lứa tuổi) đã không can ngăn mà còn có thái độ hào hứng cổ vũ hành vi đang diễn ra…

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Điển hình như vụ việc nhóm thanh, thiếu niên hành hung một cô gái cùng trang lứa tại địa bàn xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Theo đó (ngày 16/5), trên trang mạng xã hội xuất hiện một clip quay lại hình ảnh khoảng 4 - 5 thiếu niên có hành vi lăng mạ, đồng thời liên tục sử dụng gậy và chân tay hành hung một cô gái còn trẻ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do có mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh đã nhờ nhóm bạn bè quen biết đến để “dằn mặt” đối phương. Lãnh đạo xã Phụng Châu đã xác minh và ghi nhận sự việc vừa diễn ra và một số thanh, thiếu niên liên quan đến hành vi hành hung là học sinh của trường THPT Chương Mỹ B, huyện Chương Mỹ.

Tiếp đến (ngày 18/5), tiếp tục xuất hiện một clip được đăng tải trên mạng xã hội, ghi nhận hình ảnh 2 nữ sinh xông vào đánh, lăng mạ một nữ sinh khác trước sự chứng kiến của đám đông bạn bè. Sự việc được cho là xảy ra giữa 3 em học sinh lớp 10 trường THPT Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Mong muốn các nạn nhân có kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống tương tự, TS Đoàn Văn Báu - Phó Trưởng khoa Tâm lý, trường Đại học An ninh chia sẻ: Đối tượng sử dụng vũ lực thường có thời gian đôi co, đe dọa, vì vậy nạn nhân phải bình tĩnh quan sát tìm vị trí thích hợp để có thể chạy thoát ngay. Nếu đối tượng sử dụng hung khí, cần phải tỏ thái độ lo sợ, năn nỉ rồi bất ngờ bỏ chạy, cố gắng chạy thật nhanh đến vị trí có người lớn cứu giúp. Nếu xét thấy khó có khả năng chạy thoát, khi bị đánh cần cuộn tròn người, dùng tay, cánh tay, co một chân lên bụng để che chắn và vùng chạy thoát khi có cơ hội. Quan sát thấy có người lớn có thể trợ giúp cần kêu cứu và hướng về một người cụ thể, không nên trông chờ vào đám đông. Sau khi thoát được cần phải báo ngay cho phụ huynh và người có trách nhiệm để có hình thức xử lý. Tuyệt đối không nên tìm cách trả thù hoặc nhờ người ngoài xã hội giúp đỡ, thanh toán sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Sau khi vượt qua các tình huống này, cho dù tính chất, mức độ nghiêm trọng đến đâu (bị sỉ nhục bắt quỳ, bị xé quần áo, bị quay clip đưa lên mạng…), tuyệt đối không được suy nghĩ tiêu cực hoặc có cách làm tiêu cực như trả thù, bỏ học, tự vẫn, mà phải đối mặt với vấn đề của mình, nhờ sự trợ giúp của phụ huynh, thầy cô, cơ quan chức năng.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có ý kiến về những giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường gia tăng. Theo đó, bạo lực học đường do nhiều nguyên nhân, vì vậy rất cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn chung tay làm trong sạch môi trường giáo dục xung quanh nhà trường. Đặc biệt là chỉ đạo các ban ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn phối hợp với nhà trường, gia đình trong quản lý và giáo dục học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Có như vậy thì việc ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường mới có hiệu quả.