Gia tăng căng thẳng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng một năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, đã dẫn tới việc Cộng hòa Crimea sáp nhập trở lại với Nga (16/3), các cuộc tập trận do quân đội Nga và NATO tiến hành cùng thời điểm là chỉ dấu cho thấy quan hệ giữa Moscow với phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tàu chiến Pyotr Veliky tại Severomorsk, căn cứ Bắc Cực chiến lược của Nga. Ảnh: AFP
Tàu chiến Pyotr Veliky tại Severomorsk, căn cứ Bắc Cực chiến lược của Nga. Ảnh: AFP
Trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị đặt Hạm đội phương Bắc của Hải quân và các đơn vị lính dù nước này trong tình trạng báo động cấp cao nhất, như một phần của các cuộc tập trận được tiến hành bất ngờ.  Động thái này được Điện Kremli cho là bước đi cần thiết nhằm đối phó với việc NATO gia tăng đáng kể số cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga. Khu vực Đông - Bắc Âu, nơi vốn được xem là khá ổn định về an ninh không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới đã trở thành điểm nóng sau sự kiện Crimea sáp nhập lại về Nga. Thế đối đầu phương Đông – phương Tây mà đại diện là Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên từng ngày.

Giữa lúc Hội đồng châu Âu quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt của EU đối với các công dân cũng như pháp nhân Liên bang Nga và Ukraine đến ngày 15/9, Nga cho biết sẽ thực hiện một bước đi đáp trả xứng đáng. Sự trao đi đổi lại các hình thức đối đầu này kéo dài suốt một năm qua khiến cuộc khủng hoảng tại khu vực miền Đông ngày càng nghiêm trọng.

Những tình tiết mới về kế hoạch sáp nhập Crimea mà ông Putin vừa tiết lộ cho thấy, Nga chuẩn bị rất kỹ kế hoạch củng cố sức mạnh ở khu vực Đông – Bắc Âu, nhằm đối phó với chính sách áp sát biên giới nước Nga của NATO. Và điều này một lần nữa củng cố dự báo của các nhà phân tích về mối quan hệ đầy sóng gió cũng như gia tăng thế đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong năm nay.