Gia tăng lo ngại tại Myanmar

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc phái viên Liên Hợp quốc (LHQ) về Myanmar vừa cảnh báo nguy cơ nội chiến sắp xảy ra ở Myanmar. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm 1/4 kêu gọi chính quyền quân sự kiềm chế tối đa và chấm dứt hành động trấn áp bạo lực đối với người biểu tình.

Trong bối cảnh việc trấn áp bạo lực đối với các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra và bùng phát xung đột giữa lực lượng quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang dân tộc, Đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgene hôm 31/3 kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động, cảnh báo nguy cơ nội chiến và một cuộc "tắm máu" sắp xảy ra ở Myanmar. Bà cho rằng quân đội Myanmar đang gia tăng hành động trấn áp biểu tình, trong khi các nhóm dân tộc vũ trang ngày càng có quan điểm chống đối rõ ràng, làm gia tăng nguy cơ "xảy ra nội chiến quy mô chưa từng có".
 Người dân Myanmar tham gia biểu tình phản đối cuộc chính biến tại TP Mandalay. Ảnh: AP
Một số trong khoảng 20 nhóm dân tộc vũ trang ở Myanmar, kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn ở biên giới, tỏ ra bất bình với những cuộc trấn áp của quân đội đối với người biểu tình phản đối cuộc chính biến. Nhóm Liên minh Quốc gia Karen (KNU) và Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã tăng cường các cuộc tấn công vào quân đội và cảnh sát trong những ngày gần đây. Hãng tin DVB cho biết, ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với lực lượng KIA.

Trước những diễn biến căng thẳng trên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 31/3 kêu gọi Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng của mình để buộc những người liên quan đến cuộc chính biến ở Myanmar chịu trách nhiệm. Cũng bày tỏ lo ngại về bất ổn chính trị tại quốc gia láng giềng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat ngày 1/4 nói rằng quân đội và lực lượng an ninh Myanmar nên kiềm chế bạo lực, xuống thang căng thẳng. Theo ông Tanee, Bangkok đang phối hợp với các nước khác trong ASEAN để tìm ra một giải pháp hòa bình cho Myanmar.

Mỹ và các nước phương Tây đang gây áp lực ngày càng lớn lên chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố muốn "quá trình chuyển đổi dân chủ" ở Myanmar nhưng không đồng ý trừng phạt chính quyền quân sự tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ. "Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự càng sớm càng tốt, tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ một cách ổn định" - ông Trương Quân - Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, phát biểu trong cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 31/3.

Lực lượng an ninh Myanmar đã mạnh tay trấn áp biểu tình, sử dụng vòi rồng, hơi cay, thậm chí cả đạn thật để đối phó, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), tính đến ngày 31/3 đã có ít nhất 536 người đã chết, gần 3.000 người bị bắt, buộc tội hay xét xử trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar hai tháng qua.

Trong một động thái đơn phương, quân đội Myanmar hôm 31/3 đã tuyên bố thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng (từ 1 - 30/4) để tổ chức đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc và để mừng lễ té nước Thingyan, năm mới ở Myanmar. Tuy nhiên, quân đội Myanmar đưa ra một ngoại lệ đối với các hành động làm ảnh hưởng đến các hoạt động điều hành và an ninh của chính quyền. Ngoại lệ này được cho là nói tới các phong trào quy mô lớn tổ chức các cuộc biểu tình hàng ngày trên khắp cả nước kể từ sau cuộc chính biến ngày 1/2.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần