Gia tăng nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm từ động vật sang người

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/7, Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo chuyên đề đánh giá thực trạng chăn nuôi và nguy cơ gia tăng mắc bệnh lây nhiễm từ động vật sang người qua véc tơ côn trùng.

Toàn cảnh hội thảo.
Những năm qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc, gia cầm, Hà Nội luôn đứng ở tốp đầu cả nước về đầu con và sản lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn gia súc gia cầm của Thành phố: Đàn trâu bò 180.372 con; Đàn lợn trên 2 triệu con; Đàn gia cầm trên 26 triệu con; đàn chó mèo là 493.592 con.
Song song với việc phát triển, thực tế chăn nuôi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó dịch bệnh động vật ngày càng gia tăng. Nhiều dịch bệnh xuất hiện, tái xuất hiện đã làm thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi, có nhiều dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang người làm số người mắc bệnh và dẫn tới tử vong tăng lên.
Theo tổ chức Y tế thế giới thống kê có tới 180 bệnh truyền lây từ động vật sang người. Những bệnh nguy hiểm tồn tại từ nhiều năm trước đây đến nay vẫn đang đe dọa tính mạng con người như: cúm gia cầm, bệnh dại, cúm lợn, giun xoắn, lao, viêm não nhật bản...ngoài ra, có những bệnh xảy ra trong thời gian gần đây như viêm não do virus Nipal, bệnh SARS....
Trước những diễn biến phức tạp của sự gia tăng các bệnh chung giữa động vật và người, thời gian tới, công tác thú y vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thành phố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra, toàn ngành phải tập trung đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hợp tác trong đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp. Chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng các chương trình, dự án tổ chức, triển khai và đề xuất các giải pháp phòng bệnh chủ động. Phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành của TP, Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ. Bên cạnh đó cần tăng cường thông tin, truyền thông.