Hàm lượng phun sơn tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín) cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn trung bình ngày đêm và nồng độ tối đa cho phép, khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng |
Sống chung với lũ
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, qua rà soát, đánh giá môi trường tại 228 làng nghề truyền thống trên địa bàn, hiện toàn TP có 5 làng nghề bị ô nhiễm không khí, trong đó có một làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể một số làng tái chế kim loại, nhựa lân cận ngày đêm phát thải khối lượng lớn những chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với những sản phẩm sơn mài ngày càng được ưa chuộng, phương thức và quy mô sản xuất mở rộng. Năm 2017, xã Duyên Thái đã thành lập Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái với hơn 1.000 hộ gia đình làm nghề nhằm tập trung phát triển nghề truyền thống, tránh gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn còn các hộ sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Tuy vậy, có một thực tế, hoạt động sản xuất càng phát triển thì không khí khu vực này càng bị ô nhiễm. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt vừa qua lại càng khiến bụi phát sinh trong quá trình mài và phun sơn khuếch tán trong không khí đang làm cho tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Anh Nguyễn Văn Quyết (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) chia sẻ: “Những ngày nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, rất oi bức, mùi sơn cùng bụi phát sinh trong quá trình làm khiến không khí ngột ngạt, khó thở, nói chung rất độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Biết là vậy nhưng chúng tôi cũng chưa có giải pháp bền vững nào có thể hạn chế ô nhiễm tốt nhất, đành sống chung với lũ”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi, các hộ sản xuất trong xã đã có những chuyển đổi để hạn chế lượng khí phát thải ra môi trường, người dân tại đây cũng đã tìm kiếm những giải pháp đơn giản để phù hợp với điều kiện, tuy nhiên để giải quyết ô nhiễm bụi khí vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đem lại hiệu quả cao.
Tương tự, tại làng mộc Định Quán (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) có hơn 200 hộ tham gia sản xuất. Bụi mùn cưa dù được các hộ gia đình hút bằng đường ống, nhưng không thu gom mà xả thẳng lên trời khiến bầu không khí lúc nào cũng đặc quánh, ngột ngạt. Bên cạnh đó, chất lượng không khí của Thủ đô cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi không khí ô nhiễm từ những địa phương lân cận, điển hình là tỉnh Bắc Ninh với một số làng nghề làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn), làng tái chế giấy Phong Khê và làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong)…
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, vấn đề kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề đã được đặt ra từ lâu, đã có nhiều chương trình nghiên cứu về ô nhiễm làng nghề, những giải pháp khoa học kỹ thuật, cũng như đã có đầy đủ chế tài xử phạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá để giải quyết ô nhiễm không khí làng nghề, các hộ sản xuất còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, hay thiếu mặt bằng sản xuất…
“Những quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng không khí lâu nay chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, chưa có tiêu chuẩn dành riêng cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình. Chưa kể, việc xử phạt còn vướng mắc vì những mối quan hệ gia đình, làng xóm, và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân nên không dễ thực hiện” - GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết thêm.
Cần có công nghệ xử lý ô nhiễm đặc thù
Được biết, “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” của UBND TP Hà Nội với nhiều hành động cụ thể, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, để có thể kiểm soát và quản lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí cần nâng cao vai trò cũng như trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất. Đồng thời, cần phải đánh giá các cơ sở sản xuất tại các làng nghề giống như các cơ sở công nghiệp về góc độ môi trường, từ đó có các biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, đối với ô nhiễm không khí tại các làng nghề, không thể thu gom như chất thải rắn, nước thải về một khu rồi xử lý chung được, mà chỉ có thể xử lý được tại từng hộ sản xuất. Vì vậy, giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí làng nghề phải do chính hộ sản xuất đó tự giác và gắn với hương ước của làng, cùng với quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, gắn trách nhiệm của chủ cơ sở và người đứng đầu Ban quản lý các cụm công nghiệp, có thể đảm bảo các quy định được thực thi đầy đủ biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí chính tại cơ sở sản xuất của mình.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng ô nhiễm làng nghề và phân nhóm phù hợp. Riêng với nhóm những làng nghề mà hoạt động sản xuất gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân, phải có biện pháp hỗ trợ, chuyển đổi sang ngành nghề thân thiện với môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân. Đối với nhóm làng nghề có thể di dời ra khỏi khu dân cư, chính quyền địa phương dựa trên đặc thù của từng ngành nghề, bố trí địa điểm xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung…
“Các nhà khoa học phải có trách nhiệm tìm ra những công nghệ xử lý khí ô nhiễm tại từng làng nghề theo đúng đặc thù của chất ô nhiễm khí đó. Tuy nhiên công nghệ phải đơn giản, dễ tiếp thu, dễ vận hành, không phức tạp thì khi đó người dân làng nghề mới chấp nhận để vận dụng mà vẫn đạt được hiệu quả cao về môi trường”- GS.TS Đặng Kim Chi phân tích.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội kêu gọi đầu tư vào 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn 569 tỷ đồng và đầu tư 46 cụm công nghiệp làng nghề cho các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn 8.983,8 tỷ đồng... Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cơ bản xử lý được ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP. |