Gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động lập pháp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là vấn đề vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra bàn thảo.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng những tiến bộ của công nghệ mới vào hoạt động lập pháp sẽ tạo thêm những hiệu quả cao hơn.
Xây dựng Quốc hội điện tử
Việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thời gian qua được đặc biệt quan tâm. Cùng với việc đầu tư trang bị, các chính sách cũng được ban hành để tăng cường biện pháp quản lý, nâng cao nhận thức trong vấn đề này, mang lại những hiệu quả thực tiễn lớn.
 Ảnh minh họa.
Tại các hoạt động của Quốc hội, công nghệ thông tin cũng đã bước đầu được ứng dụng hiệu quả trong hoạt động lập pháp. Tại Phiên họp thứ 35 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019 - 2026; đồng thời, xác định đây không chỉ là đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong một giai đoạn nhất định, mà là quá trình lâu dài, liên tục cập nhật theo sự phát triển của công nghệ.
Đề án phải bảo đảm sự liên thông, đồng bộ trong hoạt động của Quốc hội; sự kết nối giữa các cơ quan của Quốc hội cũng như kết nối với các hệ thống bên ngoài Quốc hội (các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...), đồng thời, có những giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Khi thảo luận về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, quy trình lập pháp của Quốc hội được triển khai theo cách làm khá truyền thống, dựa trên quy định của Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức Nhà nước và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình này chủ yếu được tiến hành bởi con người và các sáng kiến lập pháp hiện nay chủ yếu do con người đề xuất.
Theo TS Trần Thị Mai (Đại học Luật Hà Nội), nếu ứng dụng công nghệ mới về thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu toàn diện cũng như với sự hỗ trợ tích cực của trí tuệ nhân tạo, có thể rút ngắn quy trình này và cắt giảm được rất nhiều thời gian.
Sử dụng tốt phương tiện công nghệ trong xác lập quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lịch trình của các chủ thể có liên quan trong xây dựng một dự án luật, kết nối với máy tính của từng đại biểu Quốc hội hoặc thành viên ban soạn thảo dự án luật, Quốc hội có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát trạng thái, tiến độ hoạt động của mỗi chủ thể một cách thường xuyên. Như vậy, các dự án luật được theo dõi, giám sát chặt chẽ ngay từ khi Quốc hội giao trách nhiệm cho các ban soạn thảo.
Khắc phục những hạn chế
Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu trong hoạt động lập pháp, có những tồn tại, hạn chế vẫn chưa khắc phục được, đã được đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều lần. Trong đó, nổi bật là tình trạng nhiều luật có “tuổi thọ” ngắn, số lượng các luật sửa đổi, bổ sung có tỷ lệ cao hơn trong danh mục các dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, một số luật chỉ sau một năm đã thấy cần sửa đổi.
Nền nếp kỷ cương trong xây dựng chương trình, kế hoạch, trong thực hiện các quy trình xây dựng pháp luật vẫn chưa tốt, điển hình là hiện tượng dự án luật bị đưa vào, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường xuyên diễn ra....
Một số ý kiến nhận định, hiện nay, các luật vẫn đang được xây dựng dựa trên các đề xuất của các chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật, phần lớn là cơ quan hành pháp và khó tránh khỏi hạn chế về tầm nhìn chiến lược, chưa nói đến sự “cài cắm” chính sách của các nhóm lợi ích... Nếu Quốc hội chủ động hơn trong việc ứng dụng công nghệ mới, dựa trên sự phân tích cơ sở dữ liệu toàn diện của từng lĩnh vực, được tiến hành bởi trí tuệ nhân tạo, thì tình hình có thể sẽ rất khác.
Với nhận định, công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc tập hợp, thu thập, so sánh, đối chiếu các dữ liệu thông tin liên quan đến dự luật một cách nhanh chóng và chính xác hơn, chuyên viên Bộ TT&TT Lê Hải Hoan cho rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiệu quả và chất lượng hoạt động lập pháp sẽ tiếp tục được nâng lên. Bên cạnh đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân, chủ thể trong quy trình lập pháp và rộng hơn là kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật cũng sẽ từng bước được tăng cường.