Gia tăng văn bản trái luật

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã phát hiện nhiều văn bản ban hành trái luật, song vấn đề đặt ra là làm sao giảm thiểu những văn bản này.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2017, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 28.554 VBQPPL (giảm hơn 25% so với năm 2016); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 1.005 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (tăng 346 văn bản).
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Việc xử lý các văn bản trái pháp luật được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, DN. Đối với Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.462 văn bản (gồm 618 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ và 3.844 văn bản của địa phương), tăng 1.824 văn bản so với năm 2016; bước đầu phát hiện 156 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (26 văn bản của các bộ, ngành, 130 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh). Đến nay, có 73 văn bản có kết luận kiểm tra trong năm 2017 đã được xử lý. Các văn bản còn lại đang được Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý theo quy định. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn và theo các nguồn thông tin được thực hiện kịp thời.
Như vậy, so với năm trước, số VBQPPL phát hiện trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 20,5%. Điều này đồng nghĩa với tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, chất lượng một số VBQPPL chưa cao, số VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng 346 văn bản. Việc tự kiểm tra VBQPPL ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, không phát hiện được văn bản sai sót; chưa kịp thời kiểm tra, chưa theo kịp được tiến độ ban hành văn bản. Một số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã có kết luận kiểm tra và đôn đốc xử lý nhưng vẫn chưa được tiến hành xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đúng hình thức và thời hạn theo quy định. Cá biệt, có những văn bản trái pháp luật được áp dụng gây hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Vậy vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu các văn bản sai trái, không bị “tuýt còi”, bị xử lý? Nhiều chuyên gia cho rằng phải nâng cao chất lượng văn bản ngay từ khi khởi thảo, cần tích cực tiếp nhận ý kiến đa chiều; nghiêm túc tiếp thu và kịp thời phản hồi ý kiến của cá nhân, dư luận về những vấn đề liên quan đến VBQPPL. Bên cạnh đó, cần tuân thủ đúng quy trình đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Đồng thời, quy định cụ thể về hình thức xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân ban hành VBQPPL trái luật, sai thẩm quyền, trình tự làm cơ sở cho việc xử lý ban hành văn bản sai trái.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng, ban hành và tự kiểm tra VBQPPL; cần nhận thức rõ VBQPPL là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, cần ưu tiên các nguồn lực cho bảo đảm chất lượng của văn bản, nhất là khảo sát, đánh giá tác động, lấy ý kiến, thẩm định một cách thực chất để bảo đảm tính hợp pháp, khả thi của VBQPPL. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để kiểm tra kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, DN, môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu quả xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong ban hành văn bản trái pháp luật.