Giá thịt lợn lại leo thang

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần giữ ở mức giá 75.000 đồng/kg, từ đầu tháng 3 tới nay, giá lợn hơi ở cả 3 miền bất ngờ tăng vọt trở lại. Để sớm bình ổn thị trường thịt lợn, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là ưu tiên tập trung tái đàn.

 Khách hàng mua thực phẩm tại chợ Đội Cấn. Ảnh: Hải Linh

Nhiều địa phương vượt mốc 90.000 đồng/kg
Vào trung tuần tháng 2/2020, hưởng ứng khuyến nghị của Bộ NN&PTNT, một số DN chăn nuôi lớn đã thực hiện cam kết đưa giá lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg. Từ đó, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước đã hạ nhiệt từ mốc trên 80.000 đồng/kg xuống sát mức 70.000 đồng/kg. Thế nhưng, chỉ duy trì được một thời gian ngắn, từ đầu tháng 3 tới nay, giá lợn hơi đã tăng mạnh trở lại, nhiều địa phương vượt mốc 90.000 đồng/kg.
Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giá cao nhất cả nước, trong đó tại Hà Nội lợn hơi có giá 88.000 – 92.000 đồng/kg; tại Vĩnh Phúc ghi nhận mức giá 89.000 – 90.000 đồng/kg; Nam Định, Hà Nam đạt mức 88.000 đồng/kg… Cùng với việc tăng giá lợn hơi, giá thịt lợn trên thị trường cũng tăng trung bình 20.000 đồng/kg, dao động quanh mức 160.000 – 180.000 đồng/kg.
Sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa mức giá DN bán ra và mức giá thu mua trong dân, bởi lượng hàng DN xuất ra không nhiều. Bên cạnh đó, khâu trung gian hiện vẫn còn bất cập, do đó sẽ có tình trạng các bên trung gian thu gom lợn của DN, trong dân rồi bán ra với giá cao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng
Chị Nguyễn Thị Hạnh, hộ chăn nuôi ở Nam Phương Tiến, Chương Mỹ cho biết: “Gia đình tôi vừa xuất chuồng đàn lợn hơn 10 con với giá 91.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, mỗi con lợn xuất chuồng gia đình tôi có lãi hơn 3 triệu đồng”. Tuy nhiên, theo chị Hạnh, gia đình chị vẫn chưa dám tái đàn, bởi dịch tả lợn châu Phi tuy đã được khống chế nhưng nguy cơ tái phát vẫn rất cao. Mặt khác, trên thị trường hiện nay rất hiếm lợn giống và giá cao, trung bình là 2,2 – 2,5 triệu đồng/con.
Lý giải về nguyên nhân khiến lợn hơi tăng giá, chị Nguyễn Thanh Hòa, tiểu thương chuyên thu gom lợn thịt khu vực Mỹ Đức, Ứng Hòa cho biết: Hiện nay, việc thu mua lợn trong dân rất khó khăn, bởi hàng khan hiếm. Trong khi đó, các tiểu thương nhỏ rất khó tiếp cận mua được hàng của các công ty lớn.
Tạo điều kiện ưu tiên cho tái đàn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc giá lợn giữ ở mức quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng và chuyển sang các loại thực phẩm khác. Do đó, chúng ta cần phải khẩn trương bình ổn giá thịt lợn, tránh tình trạng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường. Để làm được việc này, trước mắt cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là lợn thịt và lợn giống giữa các vùng. Các địa phương cùng với biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. “Trong chỉ đạo cần tránh tư tưởng “hết dịch mới tái đàn” vì dịch tả châu Phi sẽ còn tồn tại một thời gian dài” – Bộ trưởng cho hay.
Một trong những giải pháp về cải tạo giống lợn cũng được Bộ trưởng đề cập tới. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tăng cường nhập khẩu các giống mới trong bộ giống lợn ngoại làm tươi máu hoặc làm nguyên liệu tạo tổ hợp lai mới tiến bộ kỹ thuật. Tiếp thu nhanh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cả về giống và công nghệ để cải tạo năng suất đàn giống, tạo sản phẩm cạnh tranh. Chọn tạo các giống có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương, bảo đảm mỗi địa phương chỉ có 1 - 2 giống chủ lực.
Trước việc giá thịt lợn tăng mạnh, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá hồi tháng 2 về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn. Báo cáo được yêu cầu gửi Thủ tướng trước ngày 10/3, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bộ khi để giá mặt hàng này tăng cao.