Giá tiêu hôm nay 11/6: Đồng loạt tăng, cao nhất 72.000 đồng/kg, động lực từ xuất khẩu đang rất lớn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 11/6 trong khoảng 68.000 - 72.000 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm tăng 500 đồng/kg, trong khi tiêu Ấn Độ có ngày giảm thứ 2 liên tiếp.

Giá tiêu hôm nay 11/6: Đồng loạt tăng, cao nhất 72.000 đồng/kg, động lực từ xuất khẩu đang rất lớn
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 52,85 rupee/tạ, ở mức 41.740 rupee/tạ. Như vậy, sau vài phiên tăng liên tiếp giá tiêu Ấn Độ quay đầu giảm 2 ngày nay. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 10/6/2021 đến ngày 16/6/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,9 VND/INR.

Trong 24 giờ qua, giá tiêu xuất khẩu tại các quốc gia: Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Malaysia giữ nguyên, duy nhất Indonesia tăng nhẹ. 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 121.000 tấn hồ tiêu.

Theo đánh giá, hồ tiêu tại Việt Nam vẫn đang cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác nên được các nhà nhập khẩu quan tâm tìm mua, nhu cầu trên thị trường tăng. Các đơn hàng giao trong quý III và IV sang Mỹ, các nước châu Á, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6 và tháng 7 là điều đã được dự đoán từ trước. Điều này cộng thêm việc lượng tiêu trong dân không còn nhiều dẫn đến dự báo từ nay đến cuối năm, cung sẽ không đủ cầu.

Giá tiêu tăng lên là động lực để nông dân trồng tiêu tiếp tục đầu tư trong vụ thu hoạch tới. Tuy vậy, theo đánh giá, việc đầu tư phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ mang tính bền vững hơn, an toàn hơn với nông dân so với việc mở rộng diện tích không theo quy hoạch.

Như tại huyện Đắk Song (Đắk Nông), năm 2010, địa phương chỉ có 1.827 ha hồ tiêu nhưng đến năm 2015, toàn huyện đã có 6.802 ha. Theo rà soát mới nhất của Phòng NN&PTNT Đắk Song, diện tích hồ tiêu hiện tại của huyện là 14.027 ha.

Sau một thời gian phát triển “nóng”, diện tích hồ tiêu đã ổn định trở lại. Từ năm 2020 tới nay, diện tích hồ tiêu của huyện dao động xung quanh con số 14.000 ha.

Sau sự biến động lớn của giá hồ tiêu nên người dân Đắk Song đã cẩn trọng đối với loại cây này. Thay vì phát triển “nóng”, họ quay về với cách chăm sóc truyền thống, thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học. Trên địa bàn Đắk Song xuất hiện ngày càng nhiều hơn các mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, liên kết để phát triển hồ tiêu bền vững.

Huyện đã có 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Hà (416,4 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha). Sản phẩm tiêu hữu cơ luôn có giá ổn định và cao hơn hồ tiêu thông thường khoảng 20%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần