Giá tiêu hôm nay 13/1: Dự đoán dè dặt cho giá tiêu 2021, Covid-19 khiến thị trường khó tăng mạnh

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 13/1 đang đi ngang. Do ảnh hưởng của Covid-19 đang lan rộng, cho nên dù dự báo diện tích và sản lượng giảm, nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó lòng tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu.

Giá tiêu hôm nay 13/1: Dự đoán dè dặt cho giá tiêu 2021, Covid-19 khiến thị trường khó tăng mạnh
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 52.000.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 50.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 50.500.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 53.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 52.500 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng giữ nguyên so với hôm qua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 133,35 rupee/tạ (0,38%) ở mức 34.666,65 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1/2021 đến ngày 13/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.

Theo Hiệp hội Các nhà kinh doanh Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ tại Kerela, cho biết, mức giá thu mua trung bình trong năm 2020 là 315 rupee/kg, giảm 25 rupee so với năm trước.

Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ trong năm 2020 là vào khoảng 65.000 - 70.000 tấn, cao hơn so với con số 50.000 - 55.000 tấn trong năm 2019. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu nước này dự đoán vụ thu hoạch năm 2021 sẽ cho sản lượng thấp đáng kể so với năm ngoái. Nguyên nhân là vì cây trồng bị hư hại do thời tiết thất thường, trong khi những cây tiêu mới sau 2 năm mới bắt đầu kết trái.

Ở trong nước, theo Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết: "Những năm gần đây, do giá tiêu giảm mạnh, người dân không còn vốn để đầu tư chăm sóc dẫn đến cây còi cọc. Thêm vào đó, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích tiêu giảm sút".

Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu hiện nay là chi phí lao động cao. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không.

Theo chủ tịch VPA, mặc dù diện tích nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó lòng tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu. Doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Hơn thế các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá.