Giá tiêu hôm nay 19/4: Tăng gấp rưỡi đầu năm, nông dân lãi một nhưng có doanh nghiệp lãi đến hai

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 19/4 trong khoảng 67.500 - 71.000 đồng/kg. Giá tiêu trong nước tiếp tục đi ngang. Tuần trước giá tiêu giảm 2.500 - 3.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 19/4: Giá tiêu tăng gấp rưỡi đầu năm, nông dân lãi một, có nơi còn lãi hai
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 69.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang phiên thứ 2 liên tiếp.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 333,3 rupee/tạ, ở mức 40.766,65 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 15/4/2021 đến ngày 21/4/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 309,02 VND/INR.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố số liệu các doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu trong quý I/2021. Ngay sau đó thông tin này đã gây tranh luận, với nhiều ý kiến và cách hiểu trái chiều.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu 8.143 tấn hạt tiêu từ một số thị trường, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia và Brazil là 2 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 81,8% tổng lượng nhập khẩu.

Một số phương tiện thông tin đại chúng sau đó có trích dẫn, mặc dù sản lượng hồ tiêu trong nước dồi dào, song một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn nhập hàng nghìn tấn tiêu từ Brazil. Lý do là bởi giá tiêu xuất xứ từ nước này rẻ hơn giá tiêu trong nước 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, đáng chú ý là lượng nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch từ Campuchia quý 1/2021 cũng tăng tới 238,5%, đạt 606 tấn.

Nói về con số, như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính từng trả lời báo chí, so với tương quan sản lượng tiêu được dự báo của Việt Nam trong niên vụ 2020 - 2021 là khoảng 185.000 tấn (theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam), con số nhập khẩu tiêu chỉ chiếm rất nhỏ. Ngoài ra, số lượng nhập khẩu cũng tăng không nhiều so với năm ngoái (5,8%), nên không thể nói các doanh nghiệp xuất khẩu mua tiêu nhập để thay thế tiêu Việt vì giá rẻ. Do vậy để nói tiêu nhập khẩu tác động căn bản đến thị trường trong nước thời gian qua là chủ quan, chưa chính xác.

Tuy nhiên, tiêu Brazil về Việt Nam phải mất đôi tháng. Do vậy, số tiêu này chính là hàng các doanh nghiệp mua với mức giá cuối năm trước. Lúc đó tiêu trong nước chỉ quanh quẩn trên dưới 50.000 đồng/kg. Vào đầu vụ, dự báo sản lượng giảm mạnh khiến giá tiêu tăng đột biến. Các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất tiêu đã tranh thủ cơ hội này bán tiêu nhập ra thị trường để kiếm lời. Hiện nay, khi thị trường đã bình ổn, giá tiêu giảm nhẹ thì những đơn vị này lại thu mua để bù vào số hàng trên với giá thấp hơn lúc bán.

Như vậy, theo một chuyên gia đánh giá, căn bản giá tiêu trong nước tăng là do cung/cầu, dự báo sản lượng giảm, yếu tố tâm lý của thị trường. Bà con nông dân vui mừng vì có lãi một, thì có những đơn vị vui mừng vì lãi tận đến 2 lần.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Olam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, song doanh nghiệp này cũng nhập khẩu nhiều hạt tiêu nhất trong quý I, đạt 3.155 tấn, chiếm 38,8% tổng lượng nhập khẩu và so cùng kỳ tăng 7,3%.

Tiếp theo là Harris Freeman nhập khẩu 820 tấn, giảm 21,5%. Gia vị Sơn Hà nhập khẩu lớn thứ 3 và có lượng nhập khẩu tăng đột biến 286,8% đạt 789 tấn.