Giá tiêu hôm nay 2/11: Cao nhất 55.000 đồng/kg, kỳ vọng giá tiêu bắt đầu chu kỳ tăng mới

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 2/11/2020 ở Tây Nguyên và miền Nam đang đi ngang. Tính chung tuần qua, giá tiêu trong nước dao động 51.500 - 55.000 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm.

 Giá tiêu hôm nay 2/11: Cao nhất 55.000 đồng/kg, kỳ vọng giá tiêu bắt đầu chu kỳ tăng mới
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 52.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 51.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay cùng ở mức 52.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 55.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 53.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao tại sàn Kochi - Ấn Độ giữ nguyên ở mức 34.200 rupee/tạ.

Như vậy giá tiêu trong nước và thế giới tuần qua khá trầm lắng. Sau khi tăng mạnh vào tuần trước nữa, tuần qua mặt hàng này nhìn chung có xu hướng ổn định. Hiện các nhà quan sát đang kỳ vọng giá tiêu bắt đầu đợt tăng mới cho những tháng cuối năm. Bởi nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm đã thúc đẩy thị trường tăng mua. Trong khi tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn cũng không còn nhiều do thương mại hạn chế vì đại dịch Covid-19. Những nguyên nhân trên giúp thị trường hi vọng giá tiêu có thể tái lập lại đỉnh 60.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá tiêu những tháng cuối năm đang đúng như dự báo khởi sắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với nhận định từ cuối năm 2020 giá tiêu có thể bắt đầu hồi phục khi cung - cầu trở về mức cân bằng và nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ nhân lúc giá tiêu thấp.

Năm 2020, theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng tiêu đạt khoảng 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019. Điều này gây thêm khó khăn cho các nhà xuất khẩu tiêu.

Theo các chuyên gia, với EVFTA nói riêng và các thị trường khác nói chung, xuất khẩu tiêu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu.

Tiêu biểu như vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1 ppm, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh mức này xuống còn 0,05 ppm. Đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rủi ro về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tiêu nhập khẩu từ thị trường thứ ba. Việt Nam nhập hạt tiêu từ các nước sản xuất khác, chiếm khoảng 10% trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam, chủ yếu để phục vụ chế biến.