Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá trị của đường sắt đô thị nằm ở hiệu quả kinh tế - xã hội

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định, giá trị lớn nhất của tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông nằm ở tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của TP.

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, vấn đề hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn của tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội lý giải.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, giá trị lớn nhất của ĐSĐT nằm ở tác động tích cực, hiệu quả đối với nền kinh tế - xã hội của TP.
Ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội 
Cụ thể, ĐSĐT là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho hàng nghìn người mỗi chuyến. Đây sẽ là xương sống của hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, giảm UTGT và ô nhiễm môi trường cho Hà Nội.
Ông Trường khẳng định: “Việc thu hồi vốn, tính toán hiệu quả kinh tế riêng của ĐSĐT là khó. Nhưng những giá trị mà nó mang lại trong thực tế thì vô cùng lớn. Không đô thị lớn nào phát triển mà thiếu được vận tải công cộng khối lượng lớn, trong đó có ĐSĐT”.
Qua nghiên cứu kết hợp thực tiễn giá vé dùng cho cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; dựa trên kết quả điều tra khảo sát ý kiến của khách hàng, Công ty đã đưa ra 3 phương án giá vé.
Phương án 2 đã được Thường trực Thành uỷ Hà Nội thông qua, chuẩn bị trình HĐNĐ TP xem xét, phe duyệt. Cụ thể: vé tháng ở mức 200.000 đồng/vé/tháng; vé ngày 30.000 đồng/vé/ngày; vé lượt 7.000 đồng/vé/lượt, cộng thêm 600 đồng/vé/1km di chuyển, tương đương mức từ 8.000 - 15.000 đồng/vé/lượt.
Ước tính, giá vé ĐSĐT có thể cao gấp 2 lần giá vé xe buýt hiện tại khi đi toàn tuyến. Tuy nhiên, giá vé được tính cụ thể theo từng chặng, dựa trên cự ly di chuyển của hành khách, do đó sẽ đảm bảo được công bằng, lợi ích cho hành khách. Hiện Sở GTVT Hà Nội cũng đã hoàn thành phương án tổ chức các tuyến buýt kết nối, hỗ trợ ĐSĐT số 2A.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin, dọc hành lang tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông hiện có 43 tuyến buýt hoạt động, gồm 40 tuyến có trợ giá của TP và 3 tuyến không trợ giá.
Trong đó, kết nối tới ga Yên Nghĩa có 17 tuyến, ga La Khê có 12 tuyến, ga Văn Khê có 11 tuyến, ga Hà Đông có 9 tuyến, ga Văn Quán có 14 tuyến, ga Phùng Khoang có 10 tuyến, ga Vành đai 3 có 10 tuyến, ga Thượng Đình có 10 tuyến, ga Láng có 4 tuyến, ga Thái Hà có 5 tuyến, ga La Thành có 4 tuyến và ga Cát Linh có 5 tuyến.
Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, số lượng tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông hiện nay là khá lớn, chiếm tới 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhìn nhận, phân bổ hoạt động của các tuyến buýt dọc lộ trình tuyến ĐSĐT này không đều, tập trung chủ yếu tại các nhà ga trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung, trong khi các ga nằm sâu trong nội đô (Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh) số lượng tuyến buýt ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối. Trên đoạn từ bến xe Yên Nghĩa tới ngã tư Sở hiện có 4 tuyến buýt, trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A.
Cũng theo ông Hải, Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào khai thác.
Cụ thể như, điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông (tuyến số 02, 21, 27 và 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt 01.
Điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt đô thị; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông;
Ngoài ra, bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị, như vậy toàn tuyến có 65 điểm dừng với cự ly bình quân giữa các điểm là 400m; đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số nhà chờ dọc tuyến là 28.
Liên quan đến tiến độ triển khai tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh Hà Đông, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, mới đây Lãnh đạo Bộ GTVT đã đi thị sát và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Tổng thầu Dự án gấp rút hoàn thiện các hạng mục, nhanh chóng bàn giao cho Hà Nội vận hành; nhưng thời điểm cụ thể được bàn giao còn chưa thể ấn định chính xác.