Giá trị của hạnh phúc

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị của hạnh phúc đang được nhiều người đặt lên bàn cân với những lợi ích vật chất, mà quên đi rằng, nhiều khi hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ.

Một người phụ nữ chia sẻ, chị từ bỏ mối tình sâu nặng biết bao năm, lấy một người có gia cảnh giàu có, dù không hiểu mấy về anh ấy cũng như gia đình họ. Với chị lúc đó tình cảm là chuyện phụ, chỉ có một suy tính rất thực tế, rằng lấy người nghèo như mình, biết bao giờ mới khá lên được. Khi đó gia đình hoàn toàn tôn trọng quyết định của chị, nhưng vẫn khuyên “con phải biết chấp nhận và trân trọng những thứ mình đang có trong tầm tay, không nên để những toan tính thực dụng chi phối lí trí, làm cằn cỗi tình cảm”. Chị bỏ ngoài tai những lời nói đó, vì không muốn là người an phận, không muốn một cuộc sống dậm chân tại chỗ.

Ảnh minh họa.

Cái tiêu chuẩn chọn chồng xuất phát từ lợi ích vật chất ấy của chị lúc đầu cũng làm chị rất mãn nguyện. Nhìn chị lúc nào cũng xúng xính quần áo đẹp, đeo nữ trang đắt tiền, đi xe sành điệu, tiêu xài phóng khoáng... không ít người ghen tỵ và chị luôn tự hào về điều ấy. Nhưng cuộc sống kiểu “chuột sa chĩnh gạo” ấy không kéo dài được lâu. Dù sống trong ngôi nhà mặt đường trị giá tiền tỷ, nhưng mọi quyền hành trong nhà đều do mẹ chồng chị, một người đàn bà gia trưởng, bảo thủ đảm trách. Bà soi mói con dâu từ lời ăn tiếng nói cho đến việc đi đứng, nói cười. Mỗi ngày, cuộc sống cứ dần tù túng, ngột ngạt chẳng khác nào địa ngục. Chồng chị là con trai duy nhất và rất nghe lời bố mẹ, nên khi vợ ngỏ ý ra ngoài thuê nhà anh gạt phắt đi. Chị bảo, vợ chồng chị cũng được nhà chồng đầu tư tiền cho kinh doanh, nhưng mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, va chạm, mẹ chồng lại mỉa mai, khinh thường chị và cho rằng, nếu không có vốn liếng của bà thì vợ chồng “chẳng bao giờ ngóc đầu lên được”. Và cứ thế, dù mình bỏ sức ra làm, nhưng thành quả thu lại dường như lại không phải sở hữu của mình.

Những va vấp, trải nghiệm khiến chị đúc kết ra rằng, chẳng có nỗi đau nào hơn một cuộc sống phụ thuộc, bị coi thường... Cái cuộc sống mà chị ngỡ là sung sướng ấy nào có đáng gì với niềm mơ ước rất đỗi nhỏ nhoi, bình dị cứ lớn dần trong chị là được thoải mái, sống độc lập, tự chủ.

Thực tế cuộc sống cho thấy, hạnh phúc chẳng đến với ai một cách quá dễ dàng nếu họ không bền bỉ phấn đấu, tạo dựng... Không ít những người đến với hôn nhân kiểu “vụ lợi” đã không thể hạnh phúc. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, giá trị của hạnh phúc không đến từ việc “cuộc hôn nhân ấy đáng giá bao tiền”. Dù giàu sang đến đâu nhưng phải sống trong một cuộc hôn nhân không tình yêu thì đó vẫn là một cuộc sống nhạt nhẽo, buồn bã và ẩn chứa nhiều nguy cơ đổ vỡ lẫn bi kịch.

Không ít người trước ngưỡng cửa hôn nhân đã xem tình yêu là yếu tố thừa khi đối phương có những điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho mình một cuộc sống sung túc, giàu sang. Và họ nhắm mắt lựa chọn. Nhưng hôn nhân là cơ chế đặc biệt, đó không chỉ là một "hợp đồng" khi hai bên thỏa thuận được những điều kiện cần và đủ cho nhau, mà chính sự hòa hợp về nhiều mặt của hai con người, hai trái tim. Ngoài việc họ có chung những lo toan, chung vui sướng họ còn chung nhiều thứ khác như tài sản, chăn gối, con cái, tương lai.

Một người phụ nữ đã kể câu chuyện của mình và rút ra kết luận rằng, chỉ chút nữa thôi, chị đã tự đánh mất hạnh phúc của mình cũng chỉ bởi suy nghĩ đặt nặng giá trị vật chất hơn tình cảm trong hôn nhân. Khi chị lấy chồng, chị luôn cho là mình thiệt thòi, kém may mắn hơn bạn bè khi chẳng nhờ vả, trông cậy được gì từ phía gia đình chồng. Dù ngoài mặt chẳng kêu ca, than phiền gì nhưng trong lòng chị không khỏi ấm ức... Nhìn những cô bạn tiêu xài phóng khoáng... lòng chị luôn trào dâng nỗi mặc cảm, tự ti. Chị thầm ghen tị với bạn và khao khát giá như gia đình chồng cũng giàu như người ta... Những suy nghĩ đó cứ lớn mạnh dần và vô hình chung trở thành rào cản giữa chị và những thành viên trong gia đình chồng. Dù được bố mẹ, các em chồng đối xử rất cởi mở, thân tình chị vẫn có cảm giác hụt hẫng, thất vọng... Nhưng rồi đến khi những người bạn tưởng như sung sướng rơi vào bi kịch cũng bởi chính những vật chất mà họ theo đuổi, chị như được thức tỉnh, những tình cảm gia đình chồng đang dành cho mình mới thật sự là “giàu có” và hạnh phúc.

Quả thật, mơ ước của con người không bao giờ dừng lại ở một điểm nào đó, vì vậy hạnh phúc họ lựa chọn không phải cái đích, mà là một con đường phấn đấu đạt được những mong ước của mình. Những người phụ nữ trên, có người đã lựa chọn đúng nhưng vẫn thấy chưa đủ với những gì họ ước ao. Còn người “lựa chọn nhầm”, cũng không thể hạnh phúc. Thực tế cho thấy, chỉ người nào biết thế nào là đủ mới có thể cảm nhận được giá trị của hạnh phúc. Giá trị ấy là mỗi người biết trân trọng, góp nhặt từng niềm vui nhỏ của cuộc sống hàng ngày chứ không phải cố gắng để đạt được mọi điều mình mong muốn…