Giá trị của hạnh phúc

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người cho rằng, người phụ nữ đã lập gia đình không thể trốn tránh nhiệm vụ xây tổ ấm.

Có đạt được bằng cấp cao, địa vị, thu nhập... cũng chỉ để “cái tổ” của mình được êm ấm hơn. Nhiều trường hợp, chỉ vì mải lo thăng tiến, quên vun đắp cho mái ấm gia đình, để đến lúc quay đầu thì đã muộn.
 Ảnh minh họa. 
Một người đàn ông rơi vào cảnh “mồ côi vợ” chia sẻ, anh cũng hiểu rất rõ, đã qua rồi cái thời người phụ nữ quanh quẩn với công việc nội trợ thường nhật. Họ cũng đi làm, cũng gánh vác trọng trách nặng nề của xã hội. Và anh cũng biết, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm đềm, mà luôn chứa đựng những va chạm rắc rối. Anh rất thông cảm và ủng hộ chị trên bước đường công danh của mình, nhưng anh không hiểu chị có bao giờ dừng lại để nghĩ rằng, tình yêu có thể làm nên gia đình, nhưng để xây dựng một mái ấm hạnh phúc thì tình yêu thôi chưa đủ. Chỉ có sự tôn trọng, quan tâm, cảm thông, biết hy sinh vì nhau mới giữ cho gia đình bền vững. Anh thèm nhìn những đôi vợ chồng đã trải qua những năm tháng hạnh phúc, với “một nửa” của mình, họ có cảm giác đó là một người bạn thân thiết, bởi luôn nhận được sự hậu thuẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình của người bạn đời.

Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, anh chỉ thấy sau gần mười năm là vợ là chồng, họ gần nhau chẳng được bao lâu, hai người như hai nửa cuộc đời không gắn kết. Chị mải học hành, trau dồi các kỹ năng xã hội để thăng tiến, anh hoàn toàn ủng hộ ước nguyện hết sức chính đáng của vợ. Nhưng anh không thể ngờ, chị lại quá ham danh vọng và “bi kịch” cũng bởi chị nghĩ rằng, những bổn phận vốn có của một người vợ là quá nặng nhọc, vướng víu. Công việc của chị, chị biết, công việc của anh, anh lo… Việc không có con chỉ là nguyên nhân nhỏ, việc vợ chồng không được giãi bày, chia sẻ, cứ thế mất dần đi những điểm chung mới là nguyên nhân lớn khiến anh chị ngày càng xa cách.

Nhìn bên ngoài, vợ chồng anh chị có thể nói là “hình mẫu lý tưởng” của nhiều người khi họ đều thành đạt, khá giả, nhưng đằng sau những điều tưởng như rất tròn đầy ấy lại là một khoảng trống lớn. Có người bảo anh “gia đình như thế sao không giải tán đi”, nhưng anh lại thấy tiếc cái thời yêu nhau, tiếc những kỳ vọng vào một mái nhà tràn ngập tiếng cười.

Câu chuyện của người đàn ông ấy không phải là cá biệt. Hiện nhiều người phụ nữ vì mải lo công danh, đã trì hoãn hoặc bỏ qua việc vun đắp hạnh phúc. Có đôi vợ chồng sống chung được gần chục năm, đến lúc chồng muốn có con thì vợ lại không thể, do kế hoạch quá lâu, do mải mê sự nghiệp. Dù sự hiếm muộn không phải "thủ phạm" gây ra sự xa cách vợ chồng, nhưng lại là cái cớ khiến hai người có cuộc sống ngày càng... riêng. Trong ngôi nhà khá tiện nghi của họ, ít khi đủ đầy cả vợ lẫn chồng, chỉ thường xuyên có mặt bà giúp việc hết lau lại dọn, bởi làm gì có ai để mà chăm sóc. Anh không trách vợ, bởi chính mình cũng đang mải miết với những chuyến công tác và những bữa nhậu.

Nhiều người cho rằng, “để cuộc sống gia đình luôn là tổ ấm, mỗi người chồng, người vợ nên tự biết cân bằng và điều chỉnh mình, đừng vì cái tôi quá lớn mà quên mất trách nhiệm và bổn phận. Mỗi người phải biết tự cân bằng chính mình để cùng chèo lái con thuyền hạnh phúc, cho gia đình mãi là một tổ ấm và tình yêu sẽ từ đó mà đơm hoa, kết trái”. Những điều đó nghe có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế, để xem xét một gia đình nền nếp, hạnh phúc, bao giờ người ta cũng bắt đầu từ hai thành viên cơ bản của gia đình là vợ, chồng. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi nghiên cứu gia đình về góc độ khoa học xã hội, người ta thường nhìn trước hết ở khía cạnh hôn nhân. Theo các chuyên gia tâm lý, trong xã hội hiện nay, có không ít các cặp vợ chồng yêu nhau vì tình và bỏ nhau vì tiền. Nhưng dù có bao nhiêu tiền, cũng không thể thuê người xây tổ cho mình. Vì vậy, khi đang có những gì trong tầm tay, phải biết trân trọng và giữ lấy nó.

Thực tế đã cho thấy, tỷ lệ ly hôn hoặc không lập gia đình ở những phụ nữ thành đạt thường cao hơn những phụ nữ bình thường. Một nữ Giám đốc đã nói: Khi chưa lập gia đình, chị vẫn nghĩ vì sao phụ nữ cứ phải buộc chặt vào gia đình, bếp núc... Nhưng sau khi kết hôn, chị nhận ra rằng người phụ nữ dù có thành đạt đến đâu, có chức vụ cao đến mấy thì vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình họ không hạnh phúc, êm ấm, không có bữa cơm ngon, con cái không được chăm sóc tốt... Đàn ông thường được coi là trụ cột gia đình, còn phụ nữ chính là sợi dây bền chặt, mềm dẻo để giữ cho gia đình là một tổ ấm.