Giá trị của xung kích

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, câu nói ấy đã được tuổi trẻ Thủ đô cụ thể hóa bằng rất nhiều hoạt động xung kích, phong trào tình nguyện.

Nhìn lại một nhiệm kỳ 5 năm, có thể nói, trong khắp mọi mặt của đời sống đều có dấu ấn tổ chức Đoàn, thanh niên. Thế nên trước một nhiệm kỳ mới, nhiều người kỳ vọng, tổ chức Đoàn tiếp tục đột phá, bắt kịp nhu cầu thiết thân của thanh niên và đời sống TP.
 Các đội thanh niên tình nguyện tại chỗ kịp thời ra quân dọn vệ sinh môi trường sau bão.
Không thể phủ nhận sức trẻ đã góp phần vào thành công của không ít cuộc vận động, công trình, phần việc, từ những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, đến những mô hình thiện nguyện vì cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, công sở văn minh... Dấu ấn của tuổi trẻ Thủ đô được nhắc đến với 8.043 công trình, phần việc thanh niên được triển khai; hơn 11.000 đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích trên các lĩnh vực được thành lập, thu hút tổng số 138.000 thành viên… Cùng với đó, gần 950.000 đoàn viên, thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ và giải quyết việc làm; hơn 415 tỷ đồng vốn vay đã hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Họ cũng đã làm chủ khoa học công nghệ bằng sức lực, trí tuệ của mình.
 Các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô đã ghi dấu vào mọi mặt đời sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã trở thành lực lượng chủ công trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước. Những cống hiến đã được ghi nhận, rất nhiều gương thanh niên, cán bộ đoàn tiêu biểu được tuyên dương, tạo nên mảng màu đẹp trong cuộc sống. Tổ chức Đoàn các cấp cũng đang làm tốt vai trò dẫn dắt, đi đầu trong các phong trào rộng khắp ấy.
Tuy nhiên, khép lại một nhiệm kỳ sôi động, điều vẫn khiến nhiều người băn khoăn là có gì đó “thừa mà thiếu” trước sự phát triển rầm rộ các phong trào, chương trình hành động. Phải chăng tổ chức Đoàn các cấp đang “ôm đồm”, tham gia vào đủ sự kiện của đời sống, nhưng vẫn “chưa đủ sâu sát” đến đối tượng thực sự cần quan tâm. Thực tế cho thấy, ở không ít địa bàn, đơn vị, phong trào nhiều khi chưa vượt qua được hoạt động bề nổi, nặng về hình thức, nhưng tác động mang lại chưa hẳn như mong muốn. Cùng với đó, dù đã xuất hiện những mô hình, giải pháp thể hiện vai trò của tổ chức Đoàn trong việc chăm lo, đồng hành với thanh niên, vẫn còn ít hoạt động hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, vui chơi, giải trí và lao động sáng tạo. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, với đặc thù của Hà Nội, việc thành lập tổ chức Đoàn và thu hút đoàn viên, thanh niên đang sinh sống tại các khu dân cư, đô thị cũng còn hạn chế. Vai trò của thanh niên ở khu dân cư mờ nhạt, chưa thể hiện được tính xung kích, nếu không nói là “thờ ơ”.
Thực tế cũng đã chỉ ra, đối với hoạt động của Đoàn, thanh niên, tính rộng khắp là quan trọng nhất, nhưng tiếp theo phải là tính định hướng và dẫn dắt. Không bằng lòng với những kết quả đã có, công tác Đoàn tại Hà Nội phải “phá” và “đột” vào những điểm còn hạn chế. Tổ chức Đoàn sẽ thực sự đi vào từng ngóc ngách nhỏ trong đời sống tuổi trẻ, để hiểu hơn những điều họ thực sự cần, góp phần giải quyết và phúc đáp thấu đáo hơn những mong mỏi chính đáng của bộ phận quan trọng trong xã hội này. Trong điều kiện thanh niên Hà Nội có nhiều thành phần, bắt nguồn từ cơ sở, tổ chức Đoàn phải chọn việc để làm, đúng đối tượng, tránh dàn trải. Ngay trong phong trào tình nguyện, cần phát huy những mô hình phù hợp, mạnh dạn loại bỏ những việc hình thức, từ đó khẳng định tính bền vững của các hoạt động và giá trị thực của xung kích, đưa phong trào Đoàn, thanh thiếu nhi Thủ đô bước lên một tầm cao mới.