Giá trị làng xã cổ

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhịp sống náo nhiệt của quá trình đô thị hóa, đôi khi người ta vô tình quên đi giá trị vĩnh cửu của những làng quê Việt, nơi ấp ủ, lưu giữ những nếp sống ngàn đời của cha ông ta. Làng quê nói chung và các làng cổ nói riêng luôn luôn có vị trí, vai trò, có sức mạnh bảo tồn những giá trị truyền thống trước sức mạnh của ngoại xâm...

Làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, nơi ông, bà, cha mẹ chúng ta sinh sống. Những ngôi làng cổ vài trăm năm tuổi điển hình ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng như Cự Đà (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định), Thổ Hà (Bắc Ninh) hay ở miền trung như làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế),… cũng như hàng ngàn làng quê Việt khác có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức, phong tục, tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và cả “hương âm”, "thổ ngữ" tức "giọng làng" riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định trong quá trình lịch sử. Đặc biệt, để duy trì trật tự, nền nếp, mỗi làng đều có hương ước, được coi như bộ luật của làng mà tất cả thành viên đều phải tuân theo.
Nhà cổ của ông Vũ Đình Đán (làng Cự Đà) có kiến trúc 5 gian có nhiều hoa văn, chạm khắc cầu kỳ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Ảnh: Lại Tấn
Hàng ngàn năm nay, đặc điểm chung của làng xã cổ truyền là chế độ tự trị, tự quản. Nhà nước chỉ can thiệp những công việc lớn thu thuế, bắt lính; xử lý những vụ án hình sự, hay những vụ tranh chấp dân sự làng không hòa giải được; can thiệp khi có dịch bệnh lớn…

Điều khá đặc biệt là làng xã cổ dù lớn hay nhỏ thì cơ cấu tổ chức đều khá đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Làng quê Việt luôn có đội ngũ tuần phiên, có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự trong làng và ngoài đồng.

Tôi đã đọc đến cả ngàn cái hương ước và thú vị bởi nó là lệ làng được văn bản hóa, quy định chặt chẽ về cơ cấu tổ chức; yêu cầu công khai, minh bạch về bầu bán, bãi miễn các chức vị trong làng; phân bổ thuế, phân chia ruộng đất công; về lễ nghi, tín ngưỡng; về lệ hôn thú, tang ma; về tương trợ, cứu tế; về khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt vi phạm…

Thế nên tất tần tật mọi quan hệ trong làng xã cổ truyền của người Việt đều được quy định và gói gọn trong hương ước. Hương ước do chính dân làng soạn thảo, nên rất phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương; hằng năm hương ước đều được tuyên đọc một lần tại đình làng, để ai cũng nhớ, cũng thuộc và những điều khoản không còn phù hợp cũng thường được sửa đổi.

Điều này lý giải vì sao trước đây dân trí thấp, nhiều người không biết chữ nhưng văn hoá ứng xử của người làng lại rất cao. Tất thảy những điều này đã tạo nên bản sắc giá trị văn hóa làng quê Việt, hồn Việt giúp cho cuộc sống làng xã xưa luôn được bình yên, đoàn kết vững vàng trước các yếu tố ngoại lai suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, làng xã cổ truyền Việt đã thay đổi, không còn bao bọc khép kín trong lũy tre làng mà là một đơn vị dân cư mở, mỗi xã là một đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất trong hệ thống hành chính bốn cấp hiện nay. Đây là tiền đề để các làng xã Việt phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn… để nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn là những mặt tiêu cực tác động đời sống người dân. Khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn chiếm hơn 70% dân số đang đứng trước xu thế chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp là một bước ngoặt mới chưa từng có.

Điều này vô hình trung đã làm biến dạng không ít làng xã cổ truyền, biến nhiều nông dân thành thị dân, nhiều người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất và tay nghề. Bị lạc lõng trước thời cuộc, khiến người nông dân phải bỏ làng tràn ra đô thị, thậm chí rồng rắn rủ nhau xuất khẩu lao động, lấy chồng người nước ngoài, hay phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm ăn.

Để phát triển kinh tế, làng xã Việt Nam cũng phải thay đổi những giá trị văn hoá không còn phù hợp co cụm, khép kín kiểu “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” hay kiểu “Phép vua thua lệ làng”… Nhưng lịch sử cho thấy bên cạnh đó phải bằng mọi cách bảo lưu được những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”… Nếu không xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại các làng quê cổ, dù phát triển kinh tế đến mấy, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt, đó là sự thật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần