Giá trị M&A 2019 có thể cán mốc 6,7 tỷ USD

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể cán mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018.

Đó là thông tin được Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) đưa ra tại buổi họp báo sáng 23/7 dưới sự bảo trợ của Bộ KH&ĐT. Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 11 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” sẽ diễn ra vào thứ Ba, ngày 6/8/2019 tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP Hồ Chí Minh.
 Ban Tổ chức trả lời các câu hỏi về M&A 2019. Ảnh: Khắc Kiên
Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017.  Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,64 tỷ USD.
Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…
Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Tham gia vào các thương vụ này nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và vai trò bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 – 7/2019). Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng – Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một DN Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam Lê Trọng Minh thông tin về sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam Lê Trọng Minh nhận xét, đây là Diễn đàn thường niên và duy nhất ở Việt Nam đã diễn ra liên tiếp trong hơn một thập kỷ qua. Diễn đàn M&A đã và đang thúc đẩy kênh đầu tư hiệu quả này cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch cả về chất và lượng, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống khẳng định, trong 10 năm qua, Diễn đàn không chỉ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài, mà còn đưa ra kiến nghị hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống phát biểu tại họp báo
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Căn cứ trên đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới. 
 Với sự tham gia của 500 đại diện DN, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam. Diễn đàn M&A 2019 sẽ bao gồm các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần