Giá USD tăng kịch trần, nguyên nhân có phải do thị trường thế giới?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 phiên giảm giá nhẹ, sáng nay (24/11) Ngân hàng Nhà nước lại niêm yết tỷ giá trung tâm đồng USD tăng 13 đồng so với hôm qua.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm giữa VND/USD ở mức 22.131 đồng/USD. Với biên độ +/-3% như quy định hiện nay, giá sàn mua USD là 22.300 đồng/USD và giá trần bán USD là 22.795 đồng/USD.

Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại cũng đã niêm yết giá USD tăng gần kịch trần so với quy định.

Cụ thể, tại Vietcombank niêm yết giá mua-bán USD ở mức 22.690 – 22.790 đồng/USD, cách giá trần 5 đồng/USD, và tăng 100 đồng chiều mua, tăng 90 đồng/chiều bán so với phiên giao dịch hôm qua. Đây cũng là mức tăng và niêm yết mua-bán USD tại BIDV và

Các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh hôm nay có mức tăng giá USD cao hơn nhiều so với ngân hàng thương mại quốc doanh.
 Giá USD sáng nay lại tăng kịch trần.
Techcombank niêm yết giao dịch mua-bán USD ở mức 22.690 - 22.790 đồng/USD, tăng giá mua USD lên 140 đồng/USD và tăng giá bán USD lên 100 đồng/USD so với phiên giao dịch hôm qua, cũng cách giá trần 5 đồng/USD.

Eximbank niêm yết giao dịch mua-bán USD ở mức 22.720 - 22.795 đồng/USD, tăng giá mua USD lên 90 đồng/USD và tăng giá bán USD lên 95 đồng/USD so với phiên giao dịch hôm qua, bằng với giá trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến giá USD tăng là do, phiên giao dịch 23/11 tại Mỹ vừa khép lại cách đây vài tiếng đồng hồ (theo giờ Việt Nam), đồng đôla đã tăng giá mạnh do thông tin số đơn đặt hàng lâu bền của công nghiệp Mỹ tăng 4,8% trong tháng 10 và là tháng thứ tư liên tiếp nền kinh tế nước này có tăng trưởng dương, vượt xa dự đoán cũng như kỳ vọng của giới đầu tư.

Ngay sau công bố này, chỉ số chứng khoán và giá đồng bạc xanh đã tăng mạnh mẽ.

Kết thúc phiên, chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh (DXY) với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,7% so với phiên trước lên 101,7 điểm, đây là mức giá đỉnh kể từ 4/2003 trở lại đây.

So với euro, đồng USD đã tăng từ 1 euro đổi 1,0547 USD (cùng thời điểm phiên liền trước) lên mức 1 euro đổi 1,0626 USD rạng sáng nay (giờ Việt Nam).

So với yen Nhật, từ chỗ 1 USD đổi được 112,55 yen, đến sáng nay ở mức 1 USD đổi còn 111,06 yen.

Bên cạnh việc tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ là cho đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại nền kinh tế của Việt Nam lại có thêm những nguyên nhân khác đã làm cho thị trường tiền USD “nóng” lên là do: Ngày 15/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (Thông tư 24) quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, Thông tư quy định về cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.

Thông tư này của Ngân hàng Nhà nước đã nới rộng quy định cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu đã được các doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia đánh giá cao. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “nhào” ra thị trường mua gom ngoại tệ về thanh toán. Do đó, một tuần trở lại đây lực cầu tăng, cộng với những tác động từ thị trường thế giới đã đẩy giá đồng bạc xanh trong nước tăng cao.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái của Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế, nhưng lại tháo gỡ được những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải vào dịp cuối năm đó là thiếu ngoại tệ để thực hiện các hợp đồng mua-bán hàng hóa với nước ngoài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên thận trọng, không nên quá phụ thuộc nhập khẩu hàng hóa, trong khi đó hàng hóa trong nước đang dồi dào kể cả hàng hóa tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán. Sự cân nhắc nhập khẩu hàng hóa gì cần sự cân nhắc cẩn trọng, tránh phải trải mức giá mua đồng USD cao trong dịp cao điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần