Giá xăng dầu - chuyện cũ vẫn mới

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh 2 lần/tháng, có tăng, có giảm khiến trong năm 2016 vừa qua, mặt hàng này đã không còn những đợt “dậy sóng” trong dư luận.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà những tồn tại cũ đã được khắc phục. Ngược lại, xăng dầu vẫn là một trong những mặt hàng mà người tiêu dùng tiếp tục đòi hỏi sự minh bạch trong thông tin. Đặc biệt khó có thể chấp nhận thêm bất kỳ một lý do nào khiến việc lên sàn của một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn bị chậm lại.
 Ảnh minh họa
Tính từ đầu năm 2016 đến lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu mới đây nhất (ngày 19/2) giá xăng trong nước đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 7.000 đồng/lít, 9 lần giảm với tổng cộng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá. Cùng với việc tăng giá bán, cách đó không lâu, thuế môi trường áp dụng cho xăng dầu và một số nhiên liệu khác cũng đồng loạt tăng cao, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã công bố lợi nhuận sau thuế năm 2016 là hơn 5.165 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với hơn 3.400 tỷ của năm 2015. Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Petrolimex hiện đã lên đến 11.394 tỷ đồng, đó là chưa kể đến 2.433 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 239 tỷ đồng tiền gửi dài hạn. Thậm chí, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Petrolimex lần lượt là 1,34 lần và 0,42 lần, đều nằm sâu trong ngưỡng an toàn, phản ánh Petrolimex đang “dư dả” tới mức nào. Tuy nhiên, dù ghi nhận lợi nhuận khá tích cực song tổng doanh thu thuần hợp nhất chỉ bằng 83,8% so với cùng kỳ, tương đương 123.097 tỷ đồng.
Thực tế, câu chuyện Petrolimex luôn kêu lỗ nhưng báo cáo tài chính vẫn lãi cả nghìn tỷ đồng đã không còn lạ. Mặc dù theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với Petrolimex, khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex, song thực tế này vẫn tồn tại. Rồi việc tính giá cơ sở của DN kinh doanh xăng dầu đang căn cứ theo mức giá nào. Công thức tính thì người dân đã rõ, nhưng mức giá nhập cụ thể của từng chuyến, của từng giai đoạn nhập hiện vẫn cần được công khai và minh bạch. Điều đó cho thấy, tuy đã có những thay đổi nhưng gốc của vấn đề là cách quản lý, kinh doanh tại các DN kinh doanh xăng, dầu của Petrolimex rất cần phải xem xét lại.
Sau nhiều lần trì hoãn (gần 6 năm kể từ khi tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO), việc Petrolimex và một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khác phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong quý I năm nay là một yêu cầu cần thiết. Và dư luận hy vọng việc này sẽ giúp giá xăng dầu thời gian tới tiếp tục được công khai, minh bạch, không chỉ góp phần giải quyết những tồn tại nhiều năm qua mà còn giúp công khai, minh bạch một trong những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.