Giá xăng dầu ngày 19/4: Rời đỉnh sau 1 tháng tăng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu hôm nay đã quay đầu giảm khi thị trường dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu suy giảm.

Tính đến đầu giờ sáng 19/4 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 đứng ở mức 62,91 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng trong phiên.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 66,47 USD/thùng, giảm 0,3 USD/thùng trong phiên. Giá dầu ngày 19/4 có xu hướng giảm chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, giảm trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo trang thống kê thời gian thực Worldometers, tính đến hết ngày 18/4, thế giới đã ghi nhận 141.980.237 ca nhiễm Covid-19 và 3.031.995 ca tử vong, tăng lần lượt 693.005 và 8.678, trong khi 120.668.465 người đã bình phục.
Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, quốc gia này đang là nước dẫn đầu về tiêm chủng vaccine Covid-19 với hơn 200 triệu liều đã được sử dụng. Tuy nhiên, có một thực tế hết sức đang lo ngại là số ca mắc Covid-19 của Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng thời gian gần đây.
Mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% của Trung Quốc đã tạo cú hích cực lớn cho giá dầu tăng mạnh trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước đang yếu dần đi khi có thực tế, mức tăng trưởng này chỉ đạt 0,6% so với quý trước đó. Điều này cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại sau 1 năm nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Ngoài ra, các dữ liệu về lao động nhập cư, tỷ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp… của Trung Quốc tuy đạt mức tăng trưởng nhưng đều thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng và so với quý trước đó.
Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của PVN (ảnh minh họa).
Giá dầu hôm nay cũng chịu áp lực giảm giá mạnh bởi căng thẳng Nga – Mỹ leo thang. Bên cạnh đó, khả năng Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran cũng tạo áp lực giảm giá không nhỏ lên mặt hàng dầu thô.
Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 17.806 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 18.970 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.141 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 12.827 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.687 đồng/kg.
Loạt dữ liệu cũng cho thấy, tính chung trong tuần giao dịch từ 12 – 16/4, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 6%. Ngay phiên giao dịch đầu tuần, thị trường dầu thô đã có phản ứng đầy tích cực với dữ liệu về hoạt động sản xuất của nền kinh tế Mỹ.
Trong đó, Chỉ số giá sản xuất tại Mỹ được ghi nhận tăng 1% trong tháng 3/2021 và kéo theo đó là mức lạm phát năm ước tính của nền kinh tế Mỹ ở mức 4,2%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, và cao hơn đáng kể so với dự báo của giới chuyên gia.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 6%, mức tăng trưởng cao nhất trong hàng chục năm qua. Theo IMF, mức tăng trưởng dự kiến có được phần lớn nhở vào các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế khổng lồ mà các nước đang triển khai nhằm ứng phó tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Cũng theo IMF, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 và 5,4% trong năm 2022 nhờ đà phục hồi của các quốc gia. Hai nền kinh tế vốn có mức tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ được IMF dự báo tăng trưởng ở mức 8% với Trung Quốc và tăng trưởng lên tới 2 con số với Ấn Độ.
Ngay sau khi IMF đưa ra các dự báo trên, IEA đã đưa dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tăng khoảng 5,7 triệu thùng/ngày lên 96,7 triệu thùng ngày sau khi giảm 8,7 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu ngày 18/4 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2021 đứng ở mức 63,07 USD/thùng, giảm 0,39 USD/thùng trong phiên; trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2021 đứng ở mức 66,70 USD/thùng, giảm 0,24 USD/thùng trong phiên.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu hôm nay ghi nhận xu hướng giảm mạnh là do thị trường dầu thô lại dấy lên những lo ngại về khả năng tiêu thụ khi cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 xuất hiện nhiều tình tiết tiêu cực. Chile, quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 hàng đầu thế giới, lại đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng.
Theo cơ sở dữ liệu Our World in Data của Đại học Oxford, tính đến 14/4, Chile có tỷ lệ tiêm chủng là 38,94 trên 100 người, chỉ sau Israel (61,58) và Anh (47,51) và vượt qua cả Mỹ (36,13). Nhưng trong tuần trước, Chile lại liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất 8.195 ca mới vào ngày 8/4 và 91.71 ca mới vào ngày 9/4.
Mặc dù có xu hướng giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô vẫn tăng tới 6% và là mức cao nhất trong 1 tháng trở lại đây.