''Giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng sẽ thành hiện thực''

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Trong chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân Canh Tý, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu cảm nhận rằng “vận nước của chúng ta đang lên"

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

“Tôi tin một giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, sánh vai được với các nước trong khu vực và thế giới như Bác Hồ kính yêu của chúng ta mong muốn, sẽ thành sự thật. Giấc mơ đó có cơ sở khoa học và thực tiễn. Tôi cũng như tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm để biến giấc mơ đó thành hiện thực,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân Canh Tý, khi nêu cảm nhận rằng “vận nước của chúng ta đang lên."
Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô
- Năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều “cán đích,” trong đó 5/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, xin Phó Thủ tướng chia sẻ về các yếu tố bứt phá của năm 2019?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2019, bất chấp những biến động bất thường của kinh tế thế giới, sự suy giảm của đầu tư và thương mại toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn phát triển rất ấn tượng, năm thứ 3 liên tiếp chúng ta hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển về kinh tế-xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Đặc biệt ấn tượng có thể nói là vấn đề tăng trưởng. Tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%, là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất của khu vực cũng như trên thế giới.
Trong điều kiện nhiều nước, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, chúng ta đã có mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Điều ấn tượng đặc biệt thứ hai là tốc độ tăng trưởng cao nhưng lạm phát rất thấp, chỉ 2,73%. Đây là mức rất thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng năm 2019 gấp 2,5 lần chỉ tiêu lạm phát, điều đó cho thấy hiệu quả của nền kinh tế.
Nếu như năm 2018, tốc độ tăng trưởng gấp đôi lạm phát là điều hiếm có, năm nay đã gấp 2,5 lần. Điều đó làm cho thu nhập thực tế, tích lũy của cả người dân, doanh nghiệp, Nhà nước tăng lên.
- Như Phó Thủ tướng vừa chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, nền kinh tế nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá và là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, vậy đâu là “bí quyết,” thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hai vấn đề lớn nhất mà các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội cũng như trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng luôn luôn nhấn mạnh là phải coi ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là số một, là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu. Thứ hai là phải khơi thông mọi động lực cho tăng trưởng.
Hai vấn đề này có mối quan hệ với nhau. Tăng trưởng cao là một trong các điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ổn định vĩ mô cũng là một vấn đề rất quan trọng để tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh nhưng theo hướng bền vững.
Các phương châm của Chính phủ đã thể hiện rất rõ điều này - một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, phát triển. Năm 2019, chúng ta còn nhấn mạnh thêm yếu tố trách nhiệm, vấn đề bứt phá và mục tiêu cuối cùng là phải hiệu quả. Bên cạnh những vấn đề về kinh tế, chúng ta phải hết sức chăm lo vấn đề xã hội.
Vận nước đang lên
- Thưa Phó Thủ tướng, phải chăng cơ chế phối hợp điều hành linh hoạt đã giúp chúng ta cải thiện chất lượng tăng trưởng và bứt phá để về đích trong kế hoạch 5 năm?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng bên cạnh những vấn đề về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực, hiệu lực điều hành của Chính phủ, xây dựng một Chính phủ kiến tạo cho phát triển, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đã khơi dậy được ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng của người dân Việt Nam vươn lên để thoát nghèo, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Điều đó tạo nên sức mạnh rất lớn.
Tôi luôn luôn chiêm nghiệm là, nếu chúng ta không huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nếu sự nghiệp đổi mới này không có sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo người dân và nếu thành tựu của đổi mới mà người dân không được hưởng thì chúng ta sẽ không thành công.
Thành công được như ngày nay chính là bởi sự nghiệp đổi mới, công việc của chúng ta được nhân dân đồng tình ủng hộ và thành tựu của đổi mới người dân được thụ hưởng, kể cả về vật chất và tinh thần.
Nếu đo lường về chỉ số cảm xúc, chúng ta thấy như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội là “chưa bao giờ chúng ta có một cơ đồ như ngày nay và có cảm nhận rằng vận nước của chúng ta đang lên.”
Hình ảnh một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử với 98 tấm Huy chương Vàng, chỉ đứng thứ hai sau nước chủ nhà và lần đầu tiên hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đoạt Huy chương Vàng, giấc mơ mấy chục năm về một tấm Huy chương Vàng của bóng đá nam Việt Nam đã thành sự thật.
Tôi cảm nhận rằng vận nước của chúng ta đang lên. Một minh chứng về vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là khi chúng ta được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đạt được số phiếu kỷ lục, gần như tuyệt đối tất cả các nước đều bỏ phiếu ủng hộ.
Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng
- Chỉ đạo về năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Nền kinh tế phải có tính độc lập, tự chủ cao, chủ động hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững với công thức “ba trong một” là cạnh tranh năng động về kinh tế nhưng an toàn, bền vững về xã hội và môi trường, vĩ mô ổn định. Theo Phó Thủ tướng, đây có phải là con đường đi tới một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2019, GDP bình quân đầu người của nước ta đã đạt gần 2.800 USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 đề ra.
Chúng ta đang hoạch định chiến lược cho 10 năm tới, với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập ở nhóm nước trung bình cao trên thế giới với GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 8.000-9.000 USD/người.
Đến năm 2045, với dấu mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới.
Chúng ta cũng đang hoạch định một chiến lược để phát huy giá trị văn hóa và con người của Việt Nam, sức mạnh của thời đại, khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và phát triển bền vững trên nền tảng của khoa học công nghệ, trên nền tảng của đổi mới sáng tạo.
Đấy chính là ước mơ của Việt Nam trong 10 năm tới cũng như trong một vài thế kỷ tới. Đó là một giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, một giấc mơ Việt Nam hùng cường, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ.
- Vậy chúng ta sẽ làm gì để biến giấc mơ đó thành hiện thực?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chúng ta phải có những giải pháp và tổ chức thực thi tốt hơn 3 đột phá chiến lược về thể chế phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời trong kỷ nguyên này, phải nhấn mạnh hai yếu tố - coi như những mũi đột phá trong thời gian tới, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần, khơi dậy được ý chí khát vọng tự hào của con người Việt Nam. Ba đột phá chiến lược và hai yếu tố nói trên là 5 yếu tố giúp chúng ta sẽ làm nên chuyện.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh năm 2020 bộn bề những sự kiện rất sôi động trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ đã hứa với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước năm 2020 phải tốt hơn năm 2019.
Tôi tin rằng dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ, với những thành tựu đã đạt được, biết phát huy những tiềm năng, lợi thế, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong cũng như ngoài nước, tôi tin một giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, sánh vai được với các nước trong khu vực và thế giới như Bác Hồ kính yêu của chúng ta mong muốn, sẽ thành sự thật. Giấc mơ đó là có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Tôi cũng như tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm để biến giấc mơ đó thành hiện thực.
- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần