Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên - Bài 1: Xóa “điểm đen” trước cổng trường

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả nghiên cứu mới đây do UB ATGT Quốc gia công bố, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.

Giải bài toán an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên quả thực không đơn giản, nếu các bậc phụ huynh không làm gương và các em không nhận thức được đúng và đủ rủi ro giao thông mang lại.
Phải khẳng định việc đưa đón con đi học là cần thiết. Song chính ý thức của các bậc phụ huynh chưa cao, đứng tràn ra đường gây nên những điểm nghẽn giao thông ở cổng các trường học. Đây rõ ràng là vi phạm ATGT, song để xử lý được lại không hề đơn giản.
Khó “bóc” những điểm nghẽn

Trên địa bàn Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông ở các điểm trường trung học cơ sở, tiểu học diễn ra hàng ngày. Lượng học sinh không ngừng tăng lên, trong khi đó, các phương tiện giao thông được phụ huynh dùng đón con, từ xe máy đến ô tô, không ít người còn thiếu ý thức trong việc dừng, đỗ khiến cổng các điểm trường này luôn rơi vào tình trạng quá tải. Có thể kể đến cổng trường THCS Giảng Võ (phố Trần Huy Liệu), THPT, THCS Chu Văn An (phố Thụy Khuê), THCS Quang Trung (phố Quang Trung), THCS Nguyễn Tri Phương (phố Quán Thánh), THCS Nam Trung Yên (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính)… nhiều phụ huynh đỗ xe tràn lan dưới lòng đường, đỗ thành nhiều hàng, choán hết cả làn khiến lòng đường vốn đã hẹp lại càng tắc nghẽn.

Phụ huynh chờ đón học sinh trước cổng trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội.          Ảnh: Phạm Hùng

Hỏi thì có phụ huynh gắt lên, rằng không đứng ở đây thì đứng ở đâu? Có phụ huynh còn tranh thủ ngồi trên xe ăn sáng. Một số khác ngồi trên xe để xe dưới lòng đường và cho con ăn. Một số phụ huynh cho biết, vào mùa Đông, trời rét nên thường sử dụng ô tô. Điều đó càng làm tăng thêm áp lực cho giao thông, làm tăng sự lộn xộn.

Ngoài vấn đề ý thức của phụ huynh học sinh ra, không ít ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn quá khiêm tốn thì việc ùn tắc, chen lấn trước cổng trường rất khó có sự chuyển biến. Theo Luật Giao thông đường bộ quy định cấm các phương tiện dừng, đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng cơ quan, công sở, trường học. Như thế, hành động của các bậc phụ huynh là vi phạm. Song, không phải lúc nào cũng xử lý được. Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) cho rằng, vấn đề này rất khó để quy trách nhiệm cho đội trật tự phường, vì không thể đủ người để ngày nào cũng xử phạt những vi phạm này.

Đâu là giải pháp?

Vấn đề điểm đỗ ô tô toàn Hà Nội vẫn đang nhức nhối, chưa nói gì đến chuyện các phương tiện dừng đỗ trước cổng trường. Kiến trúc sư Tôn Đại cho rằng, cần bố trí trường học tránh xa khu dân cư, ưu tiên các điểm dừng đỗ cho phụ huynh học sinh, tăng cường xe đưa đón học sinh. Kiến trúc sư Tôn Đại cũng nhìn nhận thực tế, có nhiều khu vực điểm trường được bố trí ở sát chợ dân sinh. Giờ học sinh đi học cũng chính là giờ người dân tranh thủ đi chợ, nên dễ tạo xung đột giao thông. “Bởi vậy, cần có biện pháp tách trường học xa chợ dân sinh”- ông Đại nói.

Về vấn đề này, nhiều người bàn đến trách nhiệm của nhà trường. Tuy nhiên, không ít trường khi được hỏi đã trả lời rằng, họ chỉ có trách nhiệm trong khuôn viên nhà trường, còn bên ngoài thuộc lực lượng chức năng địa phương. Tuy nhiên, khi trao đổi với chuyên gia giao thông Đinh Quốc Thái, trách nhiệm là của chung. Nhà trường mà phủi trách nhiệm, nói rằng ngoài cổng trường thuộc quản lý của địa phương là sai, bởi nó cần sự phối hợp của hai phía.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Phan Quỳnh Ngọc (trường Tiểu học Mai Dịch) cho rằng, nhà trường có hơn 1.000 học sinh, trong khi việc phụ huynh đưa đón con bằng ô tô tăng cao, khiến cổng trường vào giờ tan sẽ rất đông. Nhà trường đã bố trí lực lượng bảo vệ đảm bảo ATGT tại khu vực cổng trường, hướng dẫn, phát loa thông báo yêu cầu các phụ huynh dừng, đỗ gọn vào lề đường khi đưa đón con. Cùng đó, nhà trường liên tục tăng cường, phối hợp với lực lượng công an và trật tự phường hướng dẫn di chuyển, dừng đỗ, tránh làm ảnh hưởng lớn đến các phương tiện khác. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, đa phần học sinh của nhà trường tự đi đến trường nên không có phụ huynh đứng ngoài đường chờ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn có trách nhiệm nhắc nhở học sinh chấp hành, bảo đảm ATGT. Theo tìm hiểu, trong việc thực hiện nền nếp của học sinh, từ đầu năm học 2017, nhiều trường học đã yêu cầu phụ huynh cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển các phương tiện chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, không chở quá số người theo quy định, không dàn hàng ngang khi tham gia giao thông…

Những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường kiên trì tuyên truyền liên tục về ATGT để đạt hiệu quả cao về giáo dục ý thức tham gia giao thông, yêu cầu trường học mở cổng phụ tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường. Một số trường học từ năm 2013 đã thực hiện phương pháp mở cổng phụ, mở cửa cho phụ huynh đứng chờ con. Song điều đó lại phụ thuộc vào điều kiện về khuôn viên của từng trường, bởi không phải trường nào cũng đủ rộng, để đủ chỗ cho phụ huynh đứng chờ mà không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Ở một số trường đại học, sinh viên cũng đã đóng góp sức lực vào hỗ trợ phân làn, nhắc nhở người dân. Đó là mô hình tốt cần làm liên tục, để tạo cho mọi người có thói quen trật tự trong việc đón con, hình thành nên văn hóa cộng đồng trong việc ứng xử khi tham gia giao thông. Trách nhiệm ở đây phải đến từ chính quyền, nhà trường và cộng thêm yếu tố thứ ba là ý thức của phụ huynh, học sinh.

                                                          Chuyên gia giao thông Đinh Quốc Thái

(Còn nữa)