Giải bài toán môi trường cho các làng nghề: Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển của các làng nghề truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đây cũng là đích đến cuối cùng mà Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” hướng tới.
Giá trị sản xuất đạt trên 20.000 tỷ đồng
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 305 làng đã được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống. Xét theo nhóm ngành hàng, số lượng làng nghề mây, tre, giang đan chiếm nhiều nhất với 83 làng nghề. Tiếp đến là chế biến nông sản thực phẩm 53 làng nghề; thêu ren 29 làng nghề; dệt may 25 làng nghề… Giá trị sản xuất của các làng nghề trong vài năm trở lại đây đạt trung bình khoảng 20.000 tỷ đồng.
 Chế biến đồ gỗ tại làng mộc xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Sự phát triển ngày một lớn mạnh của các làng nghề thu hút sự tham gia sâu rộng của nhiều thành phần kinh tế khác. Đến nay, tại các làng nghề đã có 2.062 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 195 hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và khoảng 176.000 hộ sản xuất – kinh doanh. Các làng nghề hiện đang tạo việc làm cho trên 740.000 lao động địa phương cùng hàng chục vạn nhân công đến từ các tỉnh, thành lân cận Hà Nội.
Không chỉ dừng ở giải quyết việc làm cho lao động dôi dư trong quá trình đô thị hóa, các làng nghề truyền thống còn mang lại thu nhập rất khá. Ước tính thu nhập của lao động làng nghề tại một số quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Phú Xuyên, Gia Lâm, Đông Anh… đạt trên 50 triệu đồng/năm, cao hơn thu nhập bình quân chung người nông dân trên địa bàn Hà Nội (khoảng 47 triệu đồng/người/năm). Thậm chí, một số ngành nghề hiện cho thu nhập cao trên 70 triệu đồng/lao động/năm như gốm sứ, mây tre giang đan, dệt lụa, đồ gỗ gia dụng...
Giải bài toán ô nhiễm môi trường 
Cùng với sự phát triển ngày một lớn mạnh, các làng nghề truyền thống cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề nước thải được xem là bài toán nan giải nhất. Kết quả đánh giá 65 làng nghề của Hà Nội mới đây cho thấy, đối với nước thải, có tới 40/65 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm và chỉ 8 làng nghề không ô nhiễm.
Đối với không khí, 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm và 43 làng nghề không ô nhiễm. Trong khi ở môi trường đất, kết quả đánh giá 37/65 làng nghề cũng cho thấy, 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm, còn lại 32 làng nghề không bị ô nhiễm. Có thể nhận thấy, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, nước thải là yếu tố tác động lớn nhất.
Chính vì vậy, thời gian qua, TP đã tập trung đầu tư để giải quyết bài toán này. Trong hai năm qua, hai Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà – Dương Liễu với công suất 20.000m3/ngày đêm và Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng với công suất 8.000m3/ngày đêm (cùng thuộc huyện Hoài Đức), đã hoàn thành đầu tư từ nguồn xã hội hóa và đi vào hoạt động.
TP hiện đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương thực hiện 3 dự án nhà máy xử lý nước thải khác tại làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức) với công suất 4.000m3/ngày đêm; làng nghề cơ, kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) với công suất 1.000m3/ngày đêm và làng nghề xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) với công suất 500m3/ngày đêm.
Các công trình chủ yếu được đầu tư từ nguồn xã hội hóa sau khi đi vào vận hành sẽ góp phần quan trọng bảo đảm chất lượng nguồn nước thải tại các làng nghề truyền thống. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

"Hiện nay, bên cạnh sản xuất – kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng, Hà Nội cũng chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch. Các sở, ngành đang tích cực phối hợp triển khai định hướng trên tại 14 làng nghề. Đây sẽ là hướng đi góp phần gia tăng giá trị kinh tế, thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững trong xu thế đô thị hóa…" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường