Giải “cơn khát” nước sạch ở Thạch Thất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giấc mơ nước sạch đang dần thành hiện thực với người dân huyện Thạch Thất nhờ chủ trương xã hội hóa của TP Hà Nội.

Không chỉ đông đảo người dân được hưởng lợi, đây còn là tiền đề quan trọng để Thạch Thất hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2018.
Qua thời dùng nước giá cao

Nổi tiếng là “đất trăm nghề”, tại huyện Thạch Thất, các làng nghề truyền thống, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển rất mạnh, trong đó xã Chàng Sơn được xem là làng nghề năng động nhất. Việc phát triển nghề mộc, đan quạt mang lại thu nhập khá cho người dân, tuy nhiên cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề môi trường phức tạp, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Công nhân vận hành Nhà máy nước sạch xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Ảnh: Trọng Tùng
Chị Nguyễn Thị Tứ, thôn 6, xã Chàng Sơn cho biết, vài năm trước, gia đình chị phải đầu tư gần 5 triệu đồng mua hệ thống máy lọc nước. Định kỳ 6 tháng lại phải bỏ tiền để thay thế bộ lọc mới. Không được may mắn như gia đình chị Tứ, nhiều gia đình thuộc các thôn, xã lân cận thậm chí phải mua nước giá cao để sử dụng, nhất là vào những tháng mùa khô. Điều đáng nói, nguồn nước dù qua lọc hay được mua bên ngoài, cũng không lấy gì đảm bảo chất lượng!

Cuối năm 2017, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép thực hiện dự án Đầu tư cấp nước sạch cho 10 xã làng nghề, thị trấn bị ô nhiễm nước tại huyện Thạch Thất. Dự án có tổng mức đầu tư trên 180 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất Phí Đình Phùng cho biết, trước khi dự án được triển khai, người dân thuộc 3 xã Đại Đồng, Hữu Bằng và Phùng Xá cũng đã được sử dụng nguồn nước sạch từ các nhà máy nước tập trung do các DN tư nhân quản lý, vận hành theo phương thức xã hội hóa. Nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời và sự tích cực của các nhà đầu tư, đến nay, toàn huyện Thạch Thất đã có khoảng 60% tổng số hộ dân được cấp nước sạch.

Thay đổi thói quen của người dân

Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam Trần Tiến Dũng cho biết, sau các xã Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hương Ngải, Kim Quan, Dị Nậu, Cần Kiệm và thị trấn Liên Quan được cấp nước sạch, đơn vị đã xin ý kiến và được TP chấp thuận cho phép tiếp tục mở rộng dự án tại xã Hữu Bằng, Phú Kim và Lại Thượng. Hiện, đơn vị đang gấp rút triển khai lắp đặt đường ống.
Hàng nghìn hộ dân huyện Thạch Thất đã được sử dụng nước sạch nhờ chủ trương xã hội hóa đầu tư của TP Hà Nội.
Ông Dũng cho biết thêm, quá trình triển khai cấp nước sạch tại huyện Thạch Thất tương đối thuận lợi, một phần là do người dân cơ bản đồng tình, một phần do sự cố gắng của cán bộ địa phương. Theo ông Phí Đình Phùng, trong quá trình triển khai, địa phương cũng gặp một số khó khăn, nhất là đối với việc thay đổi thói quen sử dụng nguồn nước của người dân. Tuy nhiên, sau gần 10 hội nghị, hội thảo được tổ chức trong hơn một năm qua, người dân đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của nhà đầu tư, đồng thời, lắng nghe ý kiến từ người dân để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, địa phương xác định nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có việc cấp nước sạch sinh hoạt là nhiệm vụ xuyên suốt trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư trong tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng nước sạch, quản lý hạ tầng cấp nước và tiếp tục nghiên cứu, mở rộng khu vực dân cư được cấp nước sạch, nhất là tại các làng nghề. Huyện phấn đấu trước năm 2020, 100% người dân nông thôn trên địa bàn sẽ được sử dụng nước sạch.