Giải cứu doanh nghiệp: Các gói giải pháp đã sẵn sàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã lập tức ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ DN, vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương… đúng với tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng DN” vượt gian khó.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Hơn 300.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất, thuế
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình “Chia sẻ cùng DN”, các gói tín dụng quy mô lớn để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay.
Hiện, BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng. Các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể. Với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng ký giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng đều đăng ký tham gia, với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống, cao hơn so với con số 250.000 tỷ đồng được đề cập tại Hội nghị tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN diễn ra ngày 2/3.
Các gói tín dụng tập trung nhiều nhất vào các ngành, lĩnh vực và DN chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh như: Du lịch, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, xuất khẩu, vui chơi giải trí... Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng DN bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…
Về tài khoá, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách Nhà nước... trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...; báo cáo Thủ tướng trong tháng 3, ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.
“Chính sách thuế của DN hay những phí thu phải đóng với các cơ quan Nhà nước được điều chỉnh giảm hoặc miễn. Điều này sẽ rất hữu ích cho các DN trong ngành và nhất là với DN của chúng tôi”- Giám đốc một DN trong ngành du lịch bày tỏ.
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, bên cạnh việc khoanh nợ, giãn thời gian nộp thuế, tiến độ nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DN chịu ảnh hưởng, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát cắt giảm bớt quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư. Như với ngành giao thông, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt... Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu
Một trong những khó khăn của DN hiện nay là "bí" cả thị trường đầu vào - nhập khẩu nguyên liệu và đầu ra. Nhiều DN thông tin, số lượng nguyên vật liệu dự trữ trong kho chỉ đủ vận hành máy móc sản xuất trong vòng một tháng tới. Vì thế, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, bộ đã có chỉ đạo các đơn vị, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài. Trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tìm kiếm các thị trường mới, “tới đây, Bộ Công Thương sẽ thành lập một tổ công tác hỗ trợ DN. Các vấn đề của DN sẽ được đưa vào hội nghị trực tuyến ngày 16/3 tới, tại đó bộ sẽ giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cục, vụ vào cuộc quyết liệt, triệt để cùng gỡ khó”- Bộ trưởng cho biết.
Về dài hạn, cần các giải pháp như đầu tư nguồn lực từ ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ… Đồng thời, quy định rõ về các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong quá trình sửa đổi pháp luật đầu tư, làm căn cứ để Chính phủ ban hành các nghị định quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các ngành này.
Đồng hành cùng Chính phủ
Mới đây, Công ty CP Vincom Retail đã công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại 79 Trung tâm thương mại trên toàn quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Tổng Giám đốc Trần Mai Hoa chia sẻ, gói hỗ trợ 300 tỷ đồng này sẽ giúp các đối tác giảm bớt gánh nặng về chi phí cùng với đó các đối tác có thể tập trung nguồn lực cùng Vincom xây dựng những chương trình ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng, góp phần đưa nhịp sống năng động trở lại với người tiêu dùng Việt Nam.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành, DN cũng phải chủ động tìm cách “tự cứu mình. DN cần bình tĩnh xác định lại chiến lược phát triển dài hạn. Theo TS Trần Đình Thiên, DN cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất và các nguồn lực có thể khai thác được để tiếp cận các thị trường mới; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Đi đôi với đó là tiến hành tái cơ cấu hoạt động của mình, đẩy mạnh liên kết, hợp tác để tạo ra những yếu tố phát triển bền vững, ổn định. Khi DN chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với rủi ro thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mới phát huy được hiệu quả, ông Trần Đình Thiên khuyến nghị.