Đó là đám cưới diễn ra vài ngày trước tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Sát đến ngày cưới, dịch bùng phát, rạp đã dựng, tiệc đã đặt đủ. Vì thực hiện lệnh giãn cách, lãnh đạo địa phương và gia đình cô dâu đã dùng giải pháp để hàng xóm khiêng bàn tiệc về nhà ăn, tránh tụ tập đông người. Những bức ảnh chia sẻ chụp sau đó đã cho thấy người dân và gia đình vẫn vui vẻ hạnh phúc cùng hàng xóm láng giềng quanh đó đã tự bê bàn cỗ về nhà, đặt giữa sân để ăn thay vì tụ tập đông người tại đám cưới.
Như lời kể, theo giao hẹn, sau bữa ăn ấy cặp vợ chồng mới cưới sẽ đi một vòng quanh các nhà để cám ơn và nhận lời chúc mừng của mọi người. Xuất hiện trên mạng xã hội, những bức ảnh ấy nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng, với âm hưởng chủ đạo là những nụ cười. Không phải nụ cười giễu cợt, mà là cảm thông và chia sẻ - khi những người trong cuộc vì muốn phòng tránh dịch Covid-19, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng mà chấp nhận một cách ăn cưới hi hữu đến thế trong ngày trọng đại nhất của đời mình. Hay một đám cưới ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) hồi tháng 3/2020 cũng từng được bà con hàng xóm giải cứu bằng cách mua lại 75 mâm cỗ cưới để mỗi gia đình cùng dùng riêng.
Vẫn biết dựng vợ gả chồng là chuyện đại sự trong đời sống của mỗi con người. Tuy vậy, đã thấy có rất nhiều gia đình cân nhắc tạm dừng hay gác lại việc này. Chính điều đó, vô cùng đáng quý trong tình thế căng lưng chống dịch lúc này. Không ai muốn ngày vui của mình phải hoãn hoặc tổ chức một cách lặng lẽ, cho nên quyết định dừng lại của những chủ nhân câu chuyện này rất đáng ghi nhận. Mà thật ra đi dự tiệc cưới vào lúc này cũng đẩy mỗi cá nhân vào câu chuyện chẳng đặng đừng. Đi thì sợ những lây lan, ảnh hưởng của dịch bệnh, không đi thì sợ người mời buồn và trách. Vì thế, nhận thức và quyết định hoãn cưới của mỗi gia đình là điều vô cùng quan trọng. Hay nói cách khác, câu chuyện hỷ sự này nếu tổ chức cũng đã rút ngắn ở mức tinh gọn nhất.
Buồn, hụt hẫng, thất vọng... - đó là những tâm trạng chẳng cần phải giấu giếm, khi mà với quyết định cuối cùng, những gia đình ấy vẫn chấp nhận sự thiệt thòi riêng, để làm tròn trách nhiệm của mình với cộng đồng. Và, dù là muôn màu ái ố hỉ nộ, câu chuyện từ tất cả những đám cưới ấy ít nhất cũng giúp chúng ta ý thức hơn về giá trị của những điều tưởng như rất bình thường trong mùa dịch... Và niềm vui đọng lại là việc làm ấy đã mang lại những ý nghĩa nhất định, lại được sự chung tay sẻ chia của hàng xóm, được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng, đó là những lời chúc phúc hữu hiệu nhất dành cho những đôi trẻ cưới trong mùa dịch.