Giải mã nhóm tội phạm “Mattfeuter”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng”, “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” do bị cáo Văn Tiến Tú (30 tuổi, ngụ ở quận 7) cầm đầu cùng 31 bị cáo.

Tội phạm xuyên quốc gia

Theo thông tin từ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Phòng chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức của Vương quốc Anh (SOCA): “Mattfeuter” là tên của một diễn đàn trên mạng thu hút các đối tượng trên toàn thế giới trao đổi, mua bán thẻ tín dụng (TTD) hacker. Từ năm 2009 - 2013, hoạt động của nhóm đối tượng “Mattfeuter” có hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, đã chiếm đoạt số tiền khoảng 200 triệu USD từ hoạt động mua bán trái phép thông tin TTD trộm cắp của người nước ngoài.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
SOCA gửi đề nghị Bộ Công an Việt Nam phối hợp điều tra vì thông tin ban đầu cho thấy kẻ cầm đầu nhóm “Mattfeuter” là Truong Hai Duy (Trương Hải Duy) - người Việt Nam. Nhưng những thông tin cung cấp cho Tổng cục VI khá đơn giản, lại toàn bằng tiếng Anh. Địa chỉ của Duy mà SOCA xác minh thông qua biện pháp kỹ thuật và cung cấp khá nhiều, nhưng khi cảnh sát Việt Nam xác minh thì đa số là “địa chỉ ma”, địa chỉ có thật thì toàn là khu nhà trọ, không ai biết Duy là ai.

Lãnh đạo Tổng cục VI, trực tiếp là Thiếu tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng đặc biệt quan tâm đến việc điều tra chuyên án. Phòng 2 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Tổng cục VI được phân công nhiệm vụ cùng SOCA và FBI triệt phá nhóm tội phạm xuyên quốc gia này.

Sau khi được cung cấp thông tin về địa chỉ email, địa chỉ IP của các đối tượng trong nhóm “Mattfeuter”, lực lượng trinh sát của Phòng 2 - C50 đã tiến hành phân tích thông tin cho thấy, người điều hành nhóm "Mattfeuter" là Trương Hải Duy (trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Duy sử dụng hòm thư augustino267@yahoo.com. Trong hòm thư này, có hàng ngàn email trao đổi mua bán trái phép thông tin TTD trộm cắp.

Thông qua dịch vụ chuyển tiền Western, các đối tượng liên quan trong vụ án là Đặng Tấn Tài, Phạm Minh Đệ, Phạm Ngọc Thịnh, Lê Văn Minh Hiển, Huỳnh Nhật Sang, Lê Quang Tú, Tô Thanh Huệ đã nhận tổng số tiền hơn 1,5 triệu USD. Các đối tượng nhận tiền tại Công ty TNHH Trần Chánh, địa chỉ số 477 Trần Phú, quận 5.

Xét thấy cần phải huy động lực lượng cũng như sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ mới có thể nhanh chóng điều tra phá án, C50 quyết định thành lập Ban chuyên án 266T do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hòa - Cục trưởng làm Trưởng ban. Ban chuyên án nhận định đây là một tổ chức tội phạm lớn, hoạt động hết sức chặt chẽ, quy mô và địa bàn hoạt động rộng xuyên quốc gia nhưng chủ yếu là ở Mỹ và Anh.

Sau nhiều nỗ lực điều tra, “ẩn số Mattfeuter” được C50 giải mã. Đối tượng người Việt Nam tên Trương Hải Duy mà SOCA cung cấp được trinh sát C50 lần tìm đến địa chỉ, nhưng đó chỉ là dãy nhà trọ, không ai biết Duy là ai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định kẻ điều hành “Mattfeuter” là Văn Tiến Tú (SN 1987, trú tại quận 7)...

Bắt giữ "ông trùm”
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Văn Tiến Tú 4 năm tù về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng” và 3 năm 6 tháng về tội “Tổ chức đánh bạc”. Lê Văn Kiều 2 năm tù, Trần Thị Diệu Hiền 2 năm 6 tháng. Các bị cáo còn lại trong vụ án nhận mức án thấp nhất là 1 năm 9 tháng 27 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) cho tới 4 năm tù giam.

Tuy đã bỏ học từ năm thứ 2 Khoa Công nghệ thông tin của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, nhưng Tú rất giỏi về công nghệ cao. Tú đã lập một trang web lấy tên “Mattfeuter” để chuyên mua bán TTD mà các đối tượng trên toàn thế giới đã lấy cắp thông tin trên internet của người khác.

Từ năm 2009 đến tháng 5/2013, Tú đã điều hành nhóm “Mattfeuter” gồm các đối tượng: Lê Văn Kiều, Trần Thị Diệu Hiền, Nguyễn Văn Quý, Trương Hải Duy, Nguyễn Minh Khánh, Mạc Thị Trương Tiên, Lê Thị Tư để mua, bán các thông tin trên TTD bị trộm cắp (gọi tắt là “cc”) gồm các loại: Visa Card, Master Card, Amex Card… tại Anh, Pháp, Mỹ và một số nước để thu lợi bất chính.

Tú phân công cho các thành viên, hướng dẫn cách thức mua bán “cc”, cung cấp nick yahoo, máy tính có kết nối internet để các thành viên sử dụng để trao đổi, mua bán “cc”.

Để nhận tiền mua “cc” từ nước ngoài chuyển về, Tú đã thỏa thuận với anh Trần Văn Chánh - Giám đốc Công ty TNHH Trần Chánh, địa chỉ tại 447 đường Trần Phú, quận 5 và anh Nguyễn Hoàng Sơn Hà - thành viên Công ty TNHH TMDV Hà Yến, địa chỉ số 84 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1 để nhận tiền qua dịch vụ Western Union là các đại lý chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tú nói với anh Chánh và anh Hà rằng số tiền mình nhận là tiền công thiết kế các trang web cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Hàng ngày, căn cứ số lượng bán “cc”, Lê Văn Kiều sử dụng nick yahoo “contim_xaodong” để chat, giao dịch mua “cc” của các đối tượng chuyên lấy cắp thông tin TTD trên mạng internet. Giá mua từ 0,6 - 6 USD/“cc”. Để thanh toán tiền mua “cc”, Kiều đã sử dụng tiền ảo “LR” trên website www.libertyreseve.com với quy ước 1LR = 1USD. Số tiền ảo này do các đối tượng bán “cc” chuyển lại cho Kiều hoặc Kiều mua bổ sung bằng tiền do Tú chuyển cho từ Công ty Trần Chánh. Sau khi nhận được tiền qua giao dịch “LR”, các hacker sẽ chuyển “cc” cho Kiều qua thư điện tử có địa chỉ contimxaodong7070@gmail.com. Kiều tải các tệp tin dữ liệu “cc” nhận được về máy tính rồi sao chép, chuyển cho các đối tượng khác trong nhóm “Mattfeuter” có nhiệm vụ bán “cc”: Trần Thị Diệu Hiền, Nguyễn Văn Quý, Trương Hải Duy, Nguyễn Minh Khánh, Mạc Thị Trương Tiên và Lê Thị Tư.

Khi có được các tệp tin dữ liệu “cc” do Kiều cung cấp, các đối tượng đã sử dụng nick yahoo và các hộp thư điện tử để gửi thông tin cho khách có nhu cầu mua “cc” trên mạng internet, thỏa thuận về giá từ 1 - 30USD/“cc”, hình thức thanh toán bằng USD qua dịch vụ Western Union là các đại lý chuyển tiền của ACB hoặc tiền ảo “LR”

Quá trình điều tra chuyên án, C50 còn phát hiện Văn Tiến Tú tổ chức hoạt động đánh bạc bằng hình thức lô đề và cá độ bóng đá thông qua 2 trang web là lode365.com và ibetvn.com. Theo đó, từ tháng 6/2012 đến khi bị bắt, trang web lode365.com đã có hơn 10.000 thành viên tham gia chơi lô đề với số tiền hàng chục tỷ đồng; trên trang web ibetvn.com có hơn 10.000 thành viên cá độ bóng đá với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhóm tổ chức đánh bạc bằng hình thức lô đề và cá độ bóng đá trên 2 trang web này do Tú cầm đầu gồm Trần Thị Diệu Hiền, Trịnh Khắc Dương, Đào Bá Bằng, Đoàn Văn Chúc, Ngô Thị Quỳnh Anh.

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu về hoạt động phạm tội của Văn Tiến Tú và đồng bọn, lãnh đạo Tổng cục VI đã quyết định phá án. 8 đối tượng bị đưa vào danh sách bắt giữ gồm: Văn Tiến Tú, Trương Hải Duy, Lê Văn Kiều, Trần Thị Diệu Hiền, Trịnh Khắc Dương, Đào Bá Bằng, Đoàn Văn Chúc, Ngô Thị Quỳnh Anh.

Đến ngày 31/5/2013, khi hiệu lệnh “bắt giữ” từ Ban chuyên án phát ra, Tú đã bị bắt khi đang ở cùng cô tình nhân trẻ trung, xinh đẹp.

10 địa điểm khám xét đã được thực hiện ngay sau đó, giúp cơ quan công an thu được nhiều tài liệu quan trọng. Ngay sau đó, C50 phối hợp với C44 tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Trần Chánh  do ông Trần Văn Chánh làm Giám đốc, thu giữ các đồ vật, tài liệu liên quan đến việc nhận tiền của nhóm “Mattfeuter”.

Quá trình điều tra, 31 đối tượng trong nhóm “Mattfeuter”, nhóm “Tổ chức đánh bạc” và nhóm “Đánh bạc” của Tú lần lượt bị bắt giữ.

Tú khai nhận, từ năm 2009 - 31/5/2013 đã nhận tiền mặt, USD hoặc qua chuyển khoản số tiền hơn 71 tỷ đồng. Sau đó, Tú chuyển vào tài khoản của các đối tượng để mua tiền ảo “LR” thanh toán tiền mua “cc” số tiền hơn 10,2 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm hoạt động, Tú và nhóm “Mattfeuter” thu lợi bất chính trong việc tổ chức mua, bán “cc” hơn 61 tỷ đồng. TSử dụng số tiền thu lợi bất chính để chi trả một phần cho các đồng phạm mua, bán “cc”, còn lại Tú mua sắm tài sản, bất động sản, ô tô, xe máy và tiêu xài cá nhân. Cơ quan điều tra đã kê biên và tạm giữ các tài sản để đảm bảo công tác thi hành án bao gồm 4 căn nhà, 1 thửa đất, 4 ô tô hạng sang, 1 xe máy SH, 840 triệu đồng, 9.000 USD và các sổ tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng.