Giải mã những bí ẩn kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý

Minh An (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa công bố thành tựu trong nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.

Để hiểu thêm về giá trị của thành tựu này trong việc góp phần nghiên cứu phục dựng các kiến trúc cung đình khác, trong đó có Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Phát lộ giá trị lớn

Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã thành công những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Xin ông cho biết quá trình phát hiện, nhận diện những công trình này diễn ra như thế nào?

- Trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thực hiện nghiên cứu đánh giá khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bao gồm đánh giá giá trị của di tích, di vật và đã khai quật, phát lộ khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. Ngay từ khi xuất lộ, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để giải mã các vết tích thuộc về thời Lý hay thời Trần, thời Lê để biết được quy mô, diện mạo. Tuy nhiên, để giải mã được hình thái kiến trúc cung điện thời Lý các cuộc khai quật chưa đủ điều kiện.
 Hình ảnh phục dựng kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý tại Khu Di tích Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).  Ảnh do Viện Nghiên cứu Kinh thành cung cấp
Trong bối cảnh đó, các phát hiện khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng tòa nhà Quốc hội vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn, giúp chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về sự tồn tại của kinh đô Thăng Long dưới lòng đất. Nghiên cứu thành công về đấu củng (một thuật ngữ kiến trúc) đã cho chúng ta biết được hình thái của bộ mái.
Từ đó những bí ẩn của kiến trúc hoàng cung Thăng Long thời Lý đã bắt đầu được các nhà khoa học tiếp cận và giải mã bằng phương pháp so sánh dựa trên 4 nguồn tư liệu là khảo cổ học, hệ thống đấu củng, tư liệu minh văn; tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước giải mãi về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.

Với những kết quả đạt từ công tác nghiên cứu trong 10 năm qua đã hỗ trợ gì cho công tác nghiên cứu phục dựng?

- Đây là phát hiện có ý nghĩa rất lớn, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Từ đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và đã giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội năm 2016. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Từ sự thành công này, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ đó, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý. Chúng ta có thể tự hào nói rằng, Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng, không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.

Làm nên sự khác biệt của kiến trúc Việt

Điểm khác biệt và đặc trưng của kiến trúc cung điện thời Lý tạo ra hình thái kiến trúc riêng biệt của Việt Nam ở thời kỳ bấy giờ. Theo ông, nhận xét đó đúng hay sai?

- Chúng tôi đã đưa ra một kết luận rõ ràng là kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý có nét tương đồng chung là kiến trúc đấu củng. Nhưng, hình thái của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý có những nét đặc sắc riêng biệt. Trên bộ mái các công trình kiến trúc cung điện nhà Lý cũng trang trí ngói âm dương, ngói ống nhưng khác với kiến trúc cung điện của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các loại ngói ống lợp diềm mái gắn hình lá đề mà các nước khác không có. Đặc biệt, các loại ngói lợp bờ nóc, bờ rào công trình dùng các loại trang trí rồng, phượng trên mái công trình, cho thấy nét độc đáo riêng biệt, vẻ đẹp đặc sắc của kiến trúc nhà Lý mà không có kiến trúc châu Á nào có được.

Vậy sau khi nhận diện được hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, kế hoạch tiếp theo của Viện Nghiên cứu Kinh thành là gì, thưa ông?

- Chúng tôi chưa bao giờ coi đây là điểm dừng, các cuộc nghiên cứu tiếp theo sẽ còn dài. Chúng tôi cần có thời gian để đưa từng vật liệu vào một vì công nghệ 3D phải làm như vậy. Kế hoạch nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục sẽ đầu tư, giải mã sâu hơn nữa và bắt đầu đi vào từng vấn đề nhỏ. Chúng tôi tiếp tục thực hiện những công trình nghiên cứu lớn để làm cơ sở, nền tảng cho giáo dục. Chúng tôi sẽ diễn đạt một cách dễ hiểu nhất. Quan điểm của tôi là khoa học không phải để cất trong ngăn tủ mà hãy đưa giá trị ấy đến công chúng.

Xin cảm ơn ông!