Giải mã thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ buổi đầu lập nước, lịch sử các nước trên thế giới đều được bao phủ bởi huyền thoại, truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc mình. Ở Việt Nam cũng vậy, thời kỳ Hùng Vương cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn. Trong những năm qua, khảo cổ học Việt Nam đã dần giải mã những bí ẩn đó.

Sinh viên đại học nghe giới thiệu lịch sử tại Bảo tàng Hùng Vương. Ảnh: Duy Anh
Những bằng chứng xác thực
Theo PGS.TS Lại Văn Tới – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành: Thành tựu đầu tiên là việc phát hiện di tích khảo cổ học Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1924. Tên di chỉ này sau đó được dùng để mệnh danh cho nền văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu cho nền văn hóa thời dựng nước đầu tiên của Việt Nam. Những năm đầu, việc nghiên cứu khảo cổ học do người phương Tây thực hiện. Những hạn chế trong khai quật và tư tưởng thực dân, đã dẫn đến những nhận định sai lầm về nguồn gốc, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn. Vào khoảng những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, ngành khảo cổ học Việt Nam bắt đầu hình thành với sự thành lập Đội Khảo cổ. Ngay sau khi thành lập, Viện Khảo cổ học do GS.TS Phạm Huy Thông đã đề xướng và chủ trì đề tài nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương dựng nước trong 3 năm (1968 – 1971). Kết quả nghiên cứu được tập hợp trong 4 tập Hùng Vương dựng nước đã chứng minh thời kỳ này là thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc qua hệ thống các di tích khảo cổ học tạo thành một hệ thống văn hóa vật chất có diễn biến liên tục, gồm 4 giai đoạn văn hóa: Giai đoạn Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun, giai đoạn Đông Sơn.

Riêng về giai đoạn Đông Sơn, theo nghiên cứu của PGS.TS Bùi Văn Liên – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Các di tích Đông Sơn được phát hiện có khoảng 452 di tích và hơn 300 di vật trống đồng. Trong đó đa phần là các di tích phát hiện lẻ tẻ những di vật mà chưa có cuộc khai quật thám sát nào. Các di tích cư trú gồm có 45 di tích, mộ táng gồm 86 di tích, 1 di tích thành lũy, 8 di tích công xưởng kết hợp cư trú hoặc mộ táng”.

Trong khi đó, kết quả khai quật di tích mộ táng đã cho thấy Làng Cả (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là một khu mộ táng lớn bao gồm 314 mộ, trong đó có 307 mộ táng thuộc thời đại Kim khí và 7 mộ táng mang phong cách thời Bắc thuộc. Đáng lưu ý là hiện vật tùy táng của các mộ táng đào được ở Làng Cả rất phong phú, bao gồm 217 tiêu bản thuộc nhiều chất liệu đồng, đá và gốm, đa dạng về loại hình, bao gồm: Rìu, thuổng, giáo... Ngoài ở Phú Thọ, di tích đình Tràng (thôn Đình Tràng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng là minh chứng rõ nét cho sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương.

Một hay nhiều vua Hùng?

Một vài ví dụ rất nhỏ về nguồn tư liệu khảo cổ học như trên kết hợp của các nguồn tư liệu khác đã dần dần đưa ra ánh sáng diện mạo đích thực của lịch sử Văn Lang và lịch sử Âu Lạc, xác nhận một cách khoa học, chân thực thời kỳ Hùng Vương là thời kỳ mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Theo nghiên cứu của PGS.TS Trịnh Sinh: “Vua Hùng theo lý giải của chúng tôi là một thủ lĩnh cộng đồng Việt cổ. Chúng tôi đã chứng minh bằng tài liệu khảo cổ học và thư tịch học, mở đầu thời Hùng Vương trùng với sự mở đầu của nền văn hóa Đông Sơn (thế kỷ VII trước Công Nguyên). Nhưng sự kết thúc của thời Hùng Vương không trùng với sự kết thúc của văn hóa Đông Sơn mà là sớm hơn. Như vậy, thời Hùng Vương kéo dài khoảng 400 năm. Trong khoảng thời gian như vậy, có thể không hẳn là 18 đời Vua Hùng như ngọc phả và tài liệu truyền thuyết ghi lại. Con số 18 đời cũng có thể là con số phiếm chỉ nhưng cũng không thể chỉ là một vị Vua Hùng”.

Về ngôn ngữ học, một số học giả cho rằng Hùng là chữ Hán, phiên âm một từ Việt cổ để chỉ thủ lĩnh, người đứng đầu dân tộc. Theo như nghiên cứu, chúng ta có thể giải mã được một điều: Vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, khảo cổ học đã có công chứng minh được có những vị thủ lĩnh, lúc đầu có vai trò quan trọng trong nghề luyện kim và sau đó là thủ lĩnh quân sự được gọi là Cun, Khun tức Hùng Vương.

Thời kỳ Hùng Vương luôn là vấn đề khoa học được quan tâm đặc biệt, thu hút nhiều cơ quan nghiên cứu khảo cổ học, nhà khoa học tiếp tục điều tra, phát hiện và khai quật khảo cổ học. Càng ngày càng có thêm nhiều phát hiện mới quan trọng đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương.

Thành tựu to lớn của khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có khảo cổ học là đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, thời kỳ Hùng Vương là có thật. Đó là thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS Lại Văn Tới
Giỗ Tổ Hùng Vương được công nhận cuối thời Lê. Cuối thời Nguyễn đẩy lên về quy mô mà văn bia năm 1940 còn ghi lại. Ngày 18/2/1946, giữa muôn vàn công việc của một Chính phủ mới thành lập được 4 tháng rưỡi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tổ chức các hoạt động giỗ tổ Hùng Vương. Một ý thức lịch sử vô cùng sâu sắc và thực tế đến hiện đại từ truyền thống. Ngày nay vẫn đang tiếp tục truyền thống đó và phát triển mạnh mẽ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ