Giải ngân vốn đầu tư công 2019: Sốt ruột vì “có tiền mà không tiêu được”

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là vấn đề của riêng năm 2019 mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Làm gì để chấm dứt tình trạng này và để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước là vấn đề đang được đặt ra hiện nay.

Đường Vành đai 3 trên cao sử dụng vốn ODA đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Linh
Tỷ lệ giải ngân thấp vì sao?

Nguồn vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài. Bộ Tài chính cho biết, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn quý I năm nay đạt thấp khoảng 11% dự toán (cùng kỳ 2018 đạt 8,8% dự toán). Có bộ ngành và địa phương giải ngân đạt trên 21%, song vẫn còn có bộ, ngành và địa phương gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).
Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT cho thấy, quý I đầu năm, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 0,01%. Một số đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân gồm: Bộ GTVT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Ninh Bình, Nam Định… Các đơn vị đứng đội sổ gồm: Bộ Công Thương, tỉnh Kon Tum, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ NN&PTNT…

“Các bộ, ngành và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ cho các dự án. Các chủ đầu tư vẫn đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư hoặc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu thầu” - Bộ Tài chính đánh giá.

Đối với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, việc giải ngân chậm có thể kể đến do : Vướng mắc về cơ chế; giao kế hoạch vốn chưa phù hợp; vướng mắc về phía dự án; vướng mắc do nhà tài trợ… Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó cả nguyên nhân khách quan vướng mắc trong công tác GPMB; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo...

Tại Bộ NN&PTNT, đơn vị có số giải ngân thấp nhất, năm 2019 Bộ được giao tổng kế hoạch vốn là 14.302 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 1.236 tỷ đồng, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 2.066 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 11.000 tỷ đồng. Theo Bộ NN&PTNT, trong quý I/2019, do các chủ đầu tư tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 và hoàn tạm ứng khối lượng năm 2018, nên kết quả giải ngân xây dựng cơ bản thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù là đơn vị đứng đầu với tỷ lệ giải ngân hiện đạt hơn 20%. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, những vướng mắc trong công tác GPMB tại các địa phương và việc bố trí, phân bổ vốn đang có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Quy trách nhiệm, cắt giảm các dự án chậm

Giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhìn nhận là gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế, không những không thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mà còn tăng tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công. Phía Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đề nghị Bộ Tài chính trực tiếp chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành giao và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng nhập và phê duyệt các dự toán chi ngân sách trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để làm cơ sở cho KBNN giải ngân. Theo đó, trong thời hạn 4 ngày kể từ khi có khối lượng được nghiệm thu các bộ, ngành, địa phương cần làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.

Theo các chuyên gia, bên cạnh đẩy nhanh quy trình giải ngân cần xây dựng quy định, cần có quy chế phối hợp về trình tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thực hiện theo nguyên tắc cụ thể rõ các bước, thời gian từng giai đoạn, trách nhiệm từng cơ quan, địa phương, chủ đầu tư. Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm rà soát, triển khai nhanh thủ tục giải ngân. Bên cạnh đó, đại diện một ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho rằng, cơ quan chủ quản cần điều phối vốn một cách linh hoạt. Ví dụ, những dự án không giải ngân được hoặc giải ngân chậm thì phải mạnh dạn cắt vốn để chuyển sang những dự án khác, tốt hơn, nhằm tránh lãng phí và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

Mới đây Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, tỉnh, TP phối hợp rà soát, chuẩn xác kế hoạch giải ngân theo từng tháng để theo dõi, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời những nút thắt trong quá trình giải ngân vốn. Tại Hà Nội, trong Công văn số 1337/UBND-KHĐT về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2019 - 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ban quản lý dự án của TP tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân, việc giải quyết thủ tục đầu tư… báo cáo UBND TP. Kịp thời điều chỉnh, cắt giảm vốn đầu tư đối với các dự án chậm giải ngân, hiệu quả đầu tư thấp hoặc không có khả năng giải ngân...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần