Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Rào cản kéo giảm tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 tháng năm 2019, công tác giải ngân vốn đầu tư công hết sức trì trệ và là một điểm nghẽn lớn của nền kinh tế.

Nếu không có những giải pháp đẩy mạnh ngay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến cuối năm điểm nghẽn này sẽ là một thách thức lớn.
Giải ngân ì ạch
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, Bộ KH&ĐT cho biết, tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch 2019 đã được giao là 294.219 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 232.400 tỷ đồng, chiếm 78,99%; vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu 19.598 tỷ đồng, chiếm 6,66%; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 17.985 tỷ đồng, chiếm 6,11%; vốn trái phiếu Chính phủ 9.684 tỷ đồng, chiếm 3,29%; vốn nước ngoài 14.551 tỷ đồng, chiếm 4,94%.
Dự án sân bay Long Thành chậm giải ngân vốn xây dựng do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn (trong ảnh: Phối cảnh dự án sân bay Long Thành). Ảnh: Công Hùng
Cập nhật số liệu tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ Tổng cục Thống kê, nguồn NSNN 7 tháng đầu năm 2019 rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 37,64%, vốn nước ngoài đạt 22,63%).
Tương tự, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2019 cũng chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015 – 2019, đặc biệt đối với 3 nguồn vốn: ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ.
Tại cuộc làm việc mới đây của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với Bộ KH&ĐT, câu chuyện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề cập.
Trong 8 tháng qua, Bộ KH&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm của 3 miền nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trên thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đến từ nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, GPMB… thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, như thanh quyết toán còn chậm. Công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.
"Năm nay có nguyên nhân mới là xuất hiện tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm ở các cấp dẫn đến không mặn mà thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, do đó thực hiện chậm các thủ tục đầu tư theo quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Ngoài ra, do quy định các dự án trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được giải ngân đến 31/12 năm sau, khiến số vốn chuyển nguồn sang năm sau ngày càng tăng. Áp lực giải ngân nguồn vốn kéo dài sẽ được dồn vào những tháng cuối năm.
Cắt giảm, điều chuyển vốn không sử dụng
Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, trong 10 năm qua, tổng số tiền trả gốc và lãi hàng năm của NSNN cao hơn con số đầu tư hàng năm. Trong khi đó, điểm nghẽn trong đầu tư công đã dẫn tới nghịch lý là tiền đã vay được nhưng không tiêu được, cho dù nhu cầu đầu tư của đất nước rất lớn, cơ sở hạ tầng còn hết sức hạn chế, cắt khúc và đã trở thành những nút thắt, rào cản cho sự phát triển kinh tế.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay, vốn đầu tư công chiếm 31% tổng vốn đầu tư trong toàn xã hội. Vì vậy, nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ hệ luỵ sang cả đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI). Đây chính là lực cản kéo giảm tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này, cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác.
Mới đây, ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi, đôn đốc quyết liệt.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án; trước ngày 25/9 có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 và đề xuất phương án cắt, giảm, điều chuyển để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo kế hoạch, nửa cuối tháng 9 này, Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 - 7 đồng vốn trong xã hội. Cho nên, giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ đóng băng nguồn vốn khác, điều đó đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần rà soát lại danh mục các dự án, chọn ra những dự án cấp bách để tập trung nguồn vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện trước.

Đồng thời cần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong thời gian từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần điều hành quyết liệt hơn để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, không để tình trạng có tiền mà không tiêu được.


TS Cấn Văn Lực: Cần có sự đồng thuận của người dân

Giải phóng mặt bằng luôn là việc làm khó, phức tạp và chính là nút thắt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến "tắc" vốn đầu tư công tại các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), các đường Vành đai 1 (Hà Nội) hay một số dự án bệnh viện đa khoa, y dược các tỉnh, thành.

Do vậy, cùng với việc yêu cầu các cấp chính quyền, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân.