Giải ngân vốn đầu tư công: Chủ trương một, biện pháp phải mười

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến cuối tháng 6/2020, giải ngân vốn đầu tư công (gồm kế hoạch các năm trước chuyển sang) mới đạt gần 29% kế hoạch. Còn lượng vốn đầu tư công rất lớn chờ giải ngân. Với số lượng vốn chờ giải ngân lên đến gần 700.000 tỷ đồng, gánh nặng dồn lên 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Dự án đầu tư công chủ yếu về các công trình giao thông. Ảnh: Việt Dũng
Nơi quyết liệt, nơi ì ạch
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đến nay nhiều TP lớn gấp rút thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư công, đồng thời cam kết giải ngân 100% nguồn vốn này. Như TP Hồ Chí Minh đặt ra giải ngân 80% vốn đầu tư công trong tháng 10. Còn TP Hà Nội cũng đang gấp rút thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư công.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP giải ngân vốn đầu tư công được 14.826 tỷ đồng đạt 33% so với kế hoạch. Đây là tỷ lệ khá cao so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ trên 10 - 15%) đã nói lên quyết tâm của TP trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Để đẩy nhanh giải ngân hết số vốn còn lại, TP Hà Nội sẽ thành lập ban chỉ đạo để rà soát, giải quyết các điểm nghẽn, góp phần đẩy nhanh triển khai các dự án. Tại Đà Nẵng, TP đã có nhiều biện pháp quyết liệt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh công tác GPMB. Đồng thời, HĐND TP đã phân cấp mạnh cho UBND TP thực hiện các chủ trương đầu tư liên quan đến các dự án nhóm B, nhóm C. Dù vậy, vẫn còn khá nhiều địa phương giải ngân chậm.
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công (bao gồm kế hoạch vốn các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020) từ đầu năm đến 30/6 là hơn 169.348 tỷ đồng, đạt 28,94% kế hoạch, trong đó: Vốn trong nước là hơn 153.739 tỷ đồng (đạt 31,18% kế hoạch); vốn nước ngoài là hơn 7.610 tỷ đồng (đạt 12,02% kế hoạch); vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được hơn 7.997 tỷ đồng (đạt 31,64% kế hoạch).
Điều chuyển vốn nếu không hoàn thành giải ngân 
Bộ Tài chính cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào các nguyên nhân, như vướng về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, do dịch Covid-19… Thực tế theo nhiều địa phương, tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp phải chờ mặt bằng thi công diễn ra khá phổ biến. Về trình tự thủ tục có sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai dự án. Thực trạng các dự án giao thông trọng điểm bị kéo dài do thủ tục đầu tư rất mất thời gian, quá trình phê duyệt hồ sơ lòng vòng, dẫn đến dự án kéo dài, phải điều chỉnh đã được phản ánh từ lâu nhưng đến nay chưa được cải thiện. Hiện, mỗi dự án tính từ sau khi có quyết định phân bổ chi tiết vốn đầu tư công, phải mất ít nhất khoảng 3 - 4 tháng để thực hiện các thủ tục đầu tư, riêng khâu lựa chọn nhà thầu cũng “ngốn” khoảng 45 ngày hoặc dài hơn.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương để xem xét tiến độ giải ngân. Trên cơ sở đó kiên quyết điều chuyển vốn trong tháng 8/2020. “Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương" - Thủ tướng nhấn mạnh. Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, GTVT có kế hoạch giải ngân các dự án trọng điểm, các địa phương phải xác định rõ các nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong GPMB. Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi xin đề nghị các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương đi vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể” - Thủ tướng bày tỏ.
Theo Bộ Tài chính, có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có số ước giải ngân đến 30/6/2020 đạt trên 30%. Trong đó, 4 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%. Tuy nhiên, có đến 34 bộ, ngành T.Ư và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, có một số ngành T.Ư chưa giải ngân đồng vốn nào như: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…