Giải ngân vốn đầu tư công - điểm sáng 2021

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 có kết quả giải ngân cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Quyết liệt ngay từ đầu năm
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế chính là tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Bộ KH&ĐT đặt ra mục tiêu, quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 và đến quý IV giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao. Để đạt mục tiêu này, theo Bộ KH&ĐT sẽ đẩy mạnh giải ngân, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ đầu năm cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân; đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý.
 Đầu tư công chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. Trong ảnh: Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm cuối tháng 1/2021. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ KH&ĐT kiến nghị triển khai các giải pháp: Khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN cho các dự án đảm bảo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021, Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng hợp phương án phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn Nhà nước để Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Chính phủ đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 cho các bộ, cơ quan T.Ư và UBND các tỉnh, thành phố. Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 được giao, thủ trưởng các đơn vị phân bổ kế hoạch vốn đúng quy định, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ giải ngân; bảo đảm việc phân bổ vốn NSNN năm 2021 tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn; theo tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chú trọng tính hiệu quả, tăng trách nhiệm người đứng đầu

Tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 dự kiến là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2020. Trong đó, dự kiến phương án phân bổ vốn trong nước gồm: Phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 16.000 tỷ đồng; bố trí cho dự án quan trọng quốc gia 19.698 tỷ đồng (dự án cao tốc Bắc - Nam là 15.038 tỷ đồng; dự án tái định cư sân bay Long Thành 4.660 tỷ đồng); bố trí vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, lan tỏa, có tính chất liên tỉnh, liên vùng…

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng gần 32.000 tỷ đồng nguồn vốn NSNN của TP và khoảng 3.800 tỷ đồng vốn T.Ư bố trí để đầu tư công. TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai là tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động này thực hiện có hiệu quả, đúng quy định. Kết quả giải ngân của từng dự án được theo dõi chặt chẽ, làm căn cứ để UBND TP đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của từng sở, ngành, địa phương. Trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì các tập thể, cá nhân, người đứng đầu có liên quan phải kiểm điểm, giải trình, khắc phục hoặc xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

TP Hà Nội cũng đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát các dự án đầu tư công năm 2021, thẩm định kỹ từng dự án về nhu cầu đầu tư của các cấp, ngành và địa phương, xác định thứ tự ưu tiên; tập trung những lĩnh vực quan trọng như các công trình liên kết vùng, hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông trong các đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin... Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác liên ngành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về đầu tư công 3 lần/tháng.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, đơn vị đã thành lập đường dây nóng, thực hiện việc niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Sở KH&ĐT công khai số liệu giải ngân trên địa bàn, đồng thời triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý I/2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán; kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra.

Tiến độ giải ngân sẽ tích cực

Theo báo cáo về kết quả đầu tư công năm 2020 của Bộ KH&ĐT, tính đến 31/1/2021 (niên độ ngân sách năm 2020), ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm %. Trong những năm qua nền kinh tế thường giải ngân đạt 92 - 93% kế hoạch vốn đầu tư công, nếu năm nay giải ngân được 100% kế hoạch sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm %; do đó việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng năm 2021.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay, từ năm 2021, khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực, chỉ cho phép giải ngân trong một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. “Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư công giao 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm, trong đó năm thứ nhất giao 1.000 tỷ đồng. Năm đó chỉ thực hiện được 800 tỷ đồng, tức là sẽ bị hủy 200 tỷ đồng trong dự toán đầu tư. Như vậy kế hoạch trung hạn 5.000 tỷ đồng sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng”. Theo ông Phương, những thay đổi này sẽ làm cho người lập kế hoạch đầu tư đúng hơn, sát hơn. Trước đây, khi làm kế hoạch, bộ ngành, địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt, nhưng bây giờ, kế hoạch nhiều chưa chắc đã tốt. Nhiều tiền mà không giải ngân được, không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, trong năm 2020, đầu tư công nổi lên như "trụ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Nhờ các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 2021, tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp như hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, cải cách mạnh mẽ; Sự quyết tâm của các bộ ngành, địa phương cùng phối hợp rà soát; Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân… tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn.

"Nếu GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chiếm 25%, nghĩa là chiếm khoảng 6 - 7% của GDP. Tất nhiên, con số này mới là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Nhưng điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công là một vai trò quan trọng." - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương


"Kinh nghiệm khi triển khai các dự án đầu tư công năm 2020 là khâu theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện quyết liệt, sâu sát; cách làm linh hoạt, mang tính đột phá, khi cần thiết sẽ điều chuyển vốn giữa các dự án để tránh đọng vốn, đọng việc ở nơi trì trệ... Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời. Với nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn hơn, rõ ràng một kế hoạch đúng và trúng, cùng với cơ chế quản lý hiệu quả sẽ giúp những đồng vốn được sử dụng một cách tốt nhất. " - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan