Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài: Thúc mãi vẫn ì ạch!

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không giải ngân được, 7 bộ, ngành đã xin hoàn trả hơn 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giải ngân vốn vay nước ngoài. Tác động của dịch Covid-19; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án; chậm hoàn chứng từ các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài… vẫn là các lý do nhiều lần được bộ, ngành đưa ra để giải thích cho việc “khơi mãi không thông” nguồn vốn này.

Việc triển khai Dự án các tuyến Metro của TP Hồ Chí Minh đang gặp một số khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: Tuấn Anh
Nhiều bộ, ngành xin trả lại hơn 4.000 tỷ đồng vốn
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, sau 2 tháng thực hiện chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ đã có phần cải thiện, ước thực hiện tháng 8/2020 đạt 21,64% dự toán giao. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước. Hiện nay, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài theo kế hoạch 2019 với giá trị là 2.420 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)… Ngoài ra, vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án; việc chậm hoàn chứng từ các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài… cũng là những nguyên nhân khiến việc giải ngân này bị chậm trễ.
Vì thế, đại diện nhiều bộ, ngành xin chuyển trả lại vốn, dự kiến lên đến 4.149 tỷ đồng. Trong đó, Bộ NN&PTNT xin hoàn trả số vốn lớn nhất, lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng.
Covid-19 và 1.001 lý do
Tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng năm 2020 mới đây, hầu hết các bộ, ngành đều phàn nàn về đại dịch Covid-19 - một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình giải ngân chậm.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc xảy ra như dịch Covid-19 khiến các thủ tục kỹ thuật triển khai đấu thầu chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp chủ yếu là nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương nên chậm hơn so với tiến độ dự án, như cuối tháng 6 các địa phương mới bố trí được 69% vốn đối ứng địa phương.
Còn tại Bộ GTVT, dù tốc độ giải ngân đạt khá nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7% nhưng so với kế hoạch đặt ra thì tỷ lệ giải ngân chưa được như kỳ vọng, mục tiêu.
Phía đại diện Bộ GD&ĐT cũng “kêu khó” về việc, một số dự án không thể thực hiện được vì phải nhập khẩu thiết bị hàng hóa để phục vụ dự án. Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến cho không thể triển khai được các lớp tập huấn tại các dự án này.
Trước rất nhiều nguyên nhân tác động đến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng như dịch Covid-19, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ này cam kết tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Bộ cũng tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của hiệp định vay, điều chỉnh thời gian giải ngân tại hiệp định vay nếu có và trao đổi với các nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Bộ thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, cử 3 – 4 cán bộ giám sát ở dự án. Cùng với tiến độ giải ngân, chất lượng của từng dự án cũng được quan tâm.
Đại diện Bộ Quốc phòng

Ủy ban Dân tộc mới giải ngân gần 8% vốn đầu tư công

Năm 2020, Ủy ban Dân tộc được Chính phủ giao 81,7 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công để thực hiện 4 dự án. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2020, đơn vị này mới giải ngân được 6,412/81,7 tỷ đồng (đạt 7,85% kế hoạch vốn). Đáng chú ý, hai dự án xây dựng trụ sở Ủy ban Dân tộc và Học viện Dân tộc hiện chưa giải ngân được đồng nào.

Lý giải nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Ủy ban Dân tộc cho biết là Dự án xây dựng Học viện Dân tộc (có kinh phí đầu tư chiếm 54,4% tổng vốn được giao năm 2020) chưa thể thực hiện, do vướng mắc trong việc xin phép lập quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Ủy ban Dân tộc dự kiến từ nay đến ngày 31/12/2020 sẽ giải ngân được 33,943 tỷ đồng vốn đầu tư công. (Trọng Tùng)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần