Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách: Không thể chậm trễ!

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 lan rộng ra hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam, làm cho việc xuất khẩu tăng rất thấp, nhập khẩu bị giảm…

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng giảm, việc tăng vốn đầu tư hiện nay lại càng quan trọng để vực dậy nền kinh tế.
Nhiều dự án dừng triển khai
Trong khi nguồn từ khu vực ngoài nhà nước, nguồn từ đầu tư nước ngoài, các khoản vốn khác bị giảm thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) lại càng quan trọng. Mặt khác, nguồn vốn này có vai trò quan trọng để hình thành các công trình trọng điểm, các công trình lớn thuộc cơ sở hạ tầng của cả nước. Mặt khác, nguồn vốn từ NSNN còn là nguồn vốn “mồi” để kéo các nguồn vốn khác từ ngoài nhà nước đầu tư theo, khi các công trình hình thành.
Tiến độ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong 5 tháng đầu năm có một số điểm đáng lưu ý. Về mặt tích cực, nếu bình quân 2 tháng đầu năm mới thực hiện được 18,55 nghìn tỷ đồng/tháng, thì tháng 3 đã đạt 23,36 nghìn tỷ đồng, tháng 4 bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều hơn, nhưng cũng đạt 24,66 nghìn tỷ đồng, tháng 5 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng.
 Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cần được giải ngân nhanh để bảo đảm hiệu quả các dự án đầu tư. Ảnh: Chiến Công
So với kế hoạch năm, tỷ lệ thực hiện chung trong 5 tháng đạt 24,9%, trong đó T.Ư đạt 22,9%, địa phương đạt 25,3%, một số bộ, ngành, tỉnh, TP đạt cao hơn, như Bộ Y tế, Bộ GTVT, TP Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Bên cạnh những kết quả tích cực, về thực hiện nguồn vốn từ NSNN cũng có những hạn chế, bất cập. Tỷ lệ thực hiện kế hoạch cả năm vẫn còn thấp. Một số bộ, ngành, tỉnh, TP đạt kế hoạch năm thấp hơn tỷ lệ chung (như Bộ TN&MT, Xây dựng, GD&ĐT, TT&TT, KH&CN, NN&PTNT, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Đà Nẵng). So với cùng kỳ năm trước, một số bộ, ngành, tỉnh, TP đã bị giảm như TN&MT, VHTT và DL, KH&CN, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đà Nẵng. 
Tiến độ thực hiện chậm do nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng. Yếu tố lớn nhất là dịch Covid-19 làm cho một số công trình phải tạm dừng thực hiện. Tiếp theo là thông lệ đầu năm thường thực hiện thấp, từ giữa đến cuối năm mới được đẩy nhanh. Yếu tố cuối cùng là vốn cũng có phần chậm, tiến độ thực hiện chậm và một số yếu tố khác, đã làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác gặp khó khăn, tăng chậm, thậm chí còn bị giảm.
Nhiệm vụ nặng nề từ nay đến cuối năm
Từ tiến độ thực hiện những tháng đầu năm, nhiệm vụ của những tháng còn lại khá nặng nề. Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cả năm là trên 466,9 nghìn tỷ đồng; 5 tháng mới thực hiện được 116,3 nghìn tỷ đồng, bình quân 1 tháng đạt 23,3 nghìn tỷ đồng. Do vậy nhiệm vụ còn lại lên đến trên 350,6 nghìn tỷ đồng, bình quân một tháng phải thực hiện 50,1 nghìn tỷ đồng, nhiều gấp gần 2,2 lần bình quân trong 5 tháng đầu năm.
Khối T.Ư còn phải thực hiện trên 62,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là GTVT (trên 13,1 nghìn tỷ), Y tế (gần 4 nghìn tỷ), NN&PTNT (3,86 nghìn tỷ đồng), GD&ĐT (trên 2,4 nghìn tỷ), TN&MT (1,07 nghìn tỷ).
Khối địa phương còn phải thực hiện 290,86 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều tỉnh/TP còn phải thực hiện hàng nghìn tỷ đồng, đáng lưu ý có TP Hồ Chí Minh còn gần 40,63 nghìn tỷ đồng, Hà Nội gần 32,1 nghìn tỷ đồng, Bình Dương trên 13,5 nghìn tỷ đồng, Thanh Hóa 6,71 nghìn tỷ đồng, Quảng Ninh trên 10,1 nghìn tỷ đồng...
Nếu không đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Trước hết là tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, sự phát triển DN,… Tiếp đến là tác động xấu tới giải quyết công ăn việc làm, thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán và những chỉ tiêu xã hội, môi trường. Nhiều khoản vốn đầu tư từ khu vực nhà nước có nguồn gốc từ vốn vay, phải trả lãi vay ngay từ ngày đầu, nếu chậm đưa vào đầu tư, cho ra sản phẩm, sẽ làm cho hiệu quả đầu tư thấp.
Đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách là rất cần thiết, nhưng cần tránh một số vấn đề trong việc đầu tư của nguồn vốn này, trong đó có một số vấn đề đáng lưu ý như: Cần giảm thiểu tình trạng phân tán, dàn trải. Cần có sự lựa chọn ưu tiên cho những công trình, dự án để khởi động lại, cơ cấu lại nền kinh tế theo trạng thái mới của kinh tế sau khi mặt trận thứ nhất đã đạt kết quả tích cực.
Để thực hiện nhanh, nếu chỉ quan tâm đến khối lượng, mà không bảo đảm chất lượng hậu quả bị lãng phí, thất thoát thì chẳng những không đem lại phát triển, mà còn tác động lâu dài đến chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần