Giải pháp cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giải pháp trọng tâm liên quan tới vấn đề phát triển du lịch Việt Nam một cách chất lượng và bền vững tới năm 2030 đã được các đại biểu nêu ra trong phiên thứ hai của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam vào sáng 6/12.

Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và hãng hàng không AirAsia ký biên bản hợp tác.

Ngành du lịch Việt đang sở hữu hai bức tranh trái ngược. Một bên là mảng màu tươi sáng với tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia thèm muốn, với 30% mỗi năm. Bên kia là màu tối khi các công ty lữ hàng không có sự đột phá trong việc quảng bá các điểm đến mới, bên cạnh đó chính sách visa còn nhiều hạn chế. Chia sẻ về những tiềm lực du lịch Việt Nam sẵn có, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group, Craig Douglas cho rằng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với nền văn hóa ẩm thực phong phú thu hút sự tò mò của du khách ưa thích trải nghiệm.

Tuy nhiên, để tăng cường lượt khách tới Việt Nam, vấn đề thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố ngành du lịch không thể bỏ qua. Để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào du lịch, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group cho rằng, cần tiếp tục khuyến khích tăng FDI trong các lĩnh vực khác, bảo vệ, quảng bá và phát triển các nguồn lực. Đồng thời, thúc đẩy phê duyệt các chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài…

Nhận định về những hạn chế trong chính sách visa của Việt Nam, Cố vấn Cấp cao BCG, Thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, John Lindquist, Việt Nam là một trong những nước có chương trình miễn thị thực hạn chế nhất của khu vực Đông Nam Á, khi chính phủ Việt Nam chỉ mới miễn thị thực cho 24 quốc gia, thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Thái Lan. Để giải quyết những vấn đề trên, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Gareth Ward cho rằng, Việt Nam có thể xem xét triển khai chính sách visa cởi mở hơn, song vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ hai việc, một là phát triển du lịch cần ưu tiên chất lượng; hai là phải dùng công nghệ thông tin triệt để. Các nước có thể chi hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có “một số ít triệu USD”, vậy làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả. Theo ông, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán này. Ngành du lịch Việt Nam có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch.

Nhân dịp này, diễn đàn chứng kiến lễ ký kết các biên bản hợp tác với tổng trị giá hơn 2 tỷ USD, bao gồm dịch vụ quản lý khách sạn giữa Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Tập đoàn Khách sạn Rosewood, dịch vụ tư vấn quản lý giữa Noval Land - Tập đoàn Minor International, dịch vụ quản lý khách sạn giữa Noval Land - Greg Norman Golf Course Design trị giá 120 triệu USD, biên bản ghi nhớ về Đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất đội tàu bay và đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ xây dựng hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam giữa Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và hãng hàng không AirAsia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần