Mở rộng quyền hạn hơn cho Hà Nội
Theo BST, Tổ biên tập đã tổ chức báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các nội dung cơ bản của dự án Luật; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời đăng tải dự án Luật Thủ đô trên trang thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tư pháp… Sau chỉnh lý, dự thảo luật mới bớt đi Điều 6 – Biểu tượng của Thủ đô, còn 4 chương 32 điều.
Tại phiên họp, đại diện một số bộ, ngành đề nghị, BST xem xét, quy định xử phạt hành chính, không nên bó hẹp một số lĩnh vực như: vi phạm an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường… mà chỉ nên quy định, mang tính nguyên tắc chung là, áp dụng xử phạt cao cho các hành vi vi phạm từ lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa đến quản lý quy hoạch, đô thị… đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và sự phát triển của Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, cần có những điều chỉnh từ các điều khoản, câu từ, thuật ngữ cho phù hợp, các quy định trong Dự thảo không bị chênh lệch so với các điều khoản Luật đã ban hành và sắp ban hành. Chủ tịch nhấn mạnh, quy định về quản lý vấn đề nhập cư là công cụ quan trọng, các điều khoản quy định trong dự thảo Luật không vi phạm quyền công dân nhưng cũng cần có cơ chế đặc thù từ việc xử phạt hành chính và mức phí ở khu vực nội đô phải cao hơn ngoại thành. Như vậy mới nâng cao ý thức người dân, tạo cảnh quan môi trường, đảm bảo đời sống dân sinh.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, Thủ đô đại diện của cả nước vì thế cần có biểu tượng Thủ đô, đề nghị BST giữ lại Điều 6 biểu tượng của Thủ đô. Ngoài ra, trong các quy định cần đề cao vấn đề phát triển kinh tế Thủ đô, phấn đấu là một trong những đơn vị có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, hiện đại.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong dự thảo Luật nên có những quy định đặc thù về phòng chống lũ lụt giảm nhẹ thiên tai; lựa chọn phương án phù hợp về vấn đề quản lý dân cư sớm trình Chính phủ (dự kiến vào 5/7); luôn coi trọng xử phạt vi phạm hành chính; phí và lệ phí; cháy nổ.
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới các bộ, ngành cần đôn đốc thêm, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân và đi đến thống nhất. Ngoài ra cần rà soát thêm các Luật của Quốc hội mới thông qua để các điều quy định trong Luật này phù hợp không bị chồng chéo giữa các luật.