Giải pháp nào để GRDP Đà Nẵng đạt 9% trong năm 2020?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2019 ước tăng 6,47% so với năm 2018, không đạt chỉ tiêu đề ra 8,86%. Mặc dù vậy, Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP năm 2020 tăng 9%.

GRDP năm 2019 không đạt
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của UBND TP Đà Nẵng cho thấy, GRDP ước tăng 6,47% so với năm 2018 (chỉ tiêu đề ra là 8,86%). Tổng thu ngân sách năm 2019 trên địa bàn ước đạt 18.170 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch dự toán và tăng 3,5% so với vùng kỳ năm 2018; trong đó, thu nội địa đạt 24.420 tỷ đồng và thu thuế xuất nhập khẩu là 3.750 tỷ đồng.
GRDP của Đà Nẵng năm 2019 ước tăng 6,47%, không đạt chỉ tiêu đề ra là 8,86%.

Năm 2019, Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 8.800 tỷ đồng; có 123 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 668 triệu USD… Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng.
Dù tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh năm 2019 trên địa bàn tăng trưởng, tuy nhiên một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kế hoạch như: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp do các ngành sản xuất sắt thép, điện tử, sản xuất xe có động cơ giảm; kim ngạch xuất khẩu giảm…
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu GRDP tăng 9%. Để đạt được chỉ tiêu này, Đà Nẵng sẽ đề xuất cơ chế thí điểm phát triển kinh tế về đêm trong hoạt động du lịch, xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch; đề xuất điều chỉnh mở rộng quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng, triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư vào 3 khu công nghiệp mới là Hòa Nhơn, Hòa Cầm và Hòa Ninh.
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
Có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 9% năm 2020 không?
Như đã đề cập, GRDP trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2019 ước tăng 6,47% so với năm 2018, không đạt chỉ tiêu đề ra là 8,86%. Mặc dù vậy, Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP năm 2020 tăng 9%. Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 11/12, nhiều đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề này và đặt câu hỏi: Đà Nẵng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 9% năm 2020 không?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà NẵngTrần Phước Sơn cho biết: Kết quả năm 2019 tuy một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản không đạt kế hoạch, nhưng so với năm 2018 vẫn có tăng trưởng khá và có các điểm sáng như: Tổng thu ngân sách đạt 103% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2018 cho thấy khả năng nội sinh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; vốn đầu tư thu hút vào TP tăng lên đáng kể, với 8.830 tỷ đồng vốn trong nước và 668 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
​Ngoài ra, GRDP ước tăng 6,47% song vẫn đạt mức khá so với các tỉnh duyên hải miền Trung, trong đó cao hơn Quảng Nam (3,81%) và Quảng Ngãi (4,02%).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn đưa ra những giải pháp để tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đạt mức 9% năm 2020.
Cũng theo ông Trần Phước Sơn, tình hình kinh tế TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng, 6 chỉ tiêu kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa đạt kế hoạch. Tuy nhiên, năm 2020 vẫn có một số thuận lợi để tin tưởng như: Một số luật, nghị định đã và đang được điều chỉnh theo hướng mở, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn; các dự án thu hút đầu tư tại các diễn đàn, Tọa đàm mùa xuân qua các năm được triển khai thực hiện, dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ đóng góp cho tăng trưởng của TP.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn cho rằng, để GRDP đạt mức tăng trưởng 9% trong năm 2020, TP cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị; phối hợp với các Bộ, ngành trung ương tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết, nghị định về phát triển TP Đà Nẵng, thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương, ký kết tại các diễn đàn, Tọa đàm mùa xuân qua các năm; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đối với từng dự án cụ thể, nhất là các vướng mắc theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ.
“Để đạt mức tăng trưởng 9%, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, UBND TP, sự phối hợp, đồng hành của HĐND TP, nỗ lực của các cấp, các ngành, các quận, huyện, nhất là các ngành: Du lịch, Công thương, Thông tin truyền thông, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp”, ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.