Giải pháp nào hạn chế bạo lực học đường?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra các vụ bạo hành học đường khiến dư luận bức xúc.

 Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm
Ở góc độ của một nhà giáo, cũng là Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm đã trao đổi nguyên nhân, giải pháp để hạn chế, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Dù ngành giáo dục đã nỗ lực chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, nhưng thực tế số vụ bạo hành không giảm, mà ngày càng có chiều hướng phức tạp hơn, thưa ông?

- Trước hết, nguyên nhân được xác định là tác động của kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục. Một bộ phận thầy, cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài xã hội. Đặc biệt, trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để trống mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… Đây là những nguyên nhân dẫn tới việc một số thầy, cô giáo ứng xử chưa đúng mực với học sinh (HS). Cá biệt, còn có tình trạng thầy, cô thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, dùng bạo lực với HS. Ngoài ra, đời sống kinh tế khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công tác giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho người học.

Vậy theo ông, giải pháp nào có thể hạn chế tình trạng này?

- Bên cạnh cơ chế thị trường, giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc thì một vấn đề cũng tác động đến sự ảnh hưởng trong ứng xử giữa giáo viên với HS, đó là phụ huynh mải lo cơm áo, gạo tiền dẫn tới việc phó thác con cái cho nhà trường, làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo. Điều này tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường là mấu chốt nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Đồng thời, có sự trao đổi giữa phụ huynh - nhà trường, phụ huynh – thầy cô giáo để kịp nắm bắt và tháo gỡ những bất cập, khúc mắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc dạy học vẫn nặng tính áp đặt, chủ yếu truyền thụ kiến thức mà chưa coi trọng dạy đạo đức lối sống cho HS?

- Đúng vậy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu, mong muốn của HS, sinh viên; vẫn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi HS. Thời lượng dành cho các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác còn khiêm tốn, ở một số nơi còn bị xem nhẹ. Điều đáng nói, vấn đề xây dựng văn hóa học đường, văn hóa dân chủ chưa được quan tâm một cách đầy đủ. HS chưa được tôn trọng, chưa được nói lên tiếng nói của mình. Ngoài ra, các trường hiện nay chưa được tự chủ, họ không có quyền lựa chọn giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn. Hiện quản lý của ngành giáo dục đang “5 cha 7 mẹ” cùng tham gia nên khó kiểm soát.

Vừa qua, có một số đề xuất ban hành một bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học, ý kiến của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, việc xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học là cần thiết. Hiện nay, mỗi trường vẫn có những nội quy riêng, nhưng vẫn cần một quy tắc chung, thống nhất trong hệ thống trường học trên toàn quốc. Bộ quy tắc cần chỉ rõ điều gì giáo viên được phép và không được phép làm, hình phạt nào được thực hiện và không được thực hiện với HS. Trong quy tắc cũng yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục HS. Ngoài ra, cũng cần có những quy định, cơ chế để bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo bằng việc siết chặt lại vấn đề an ninh trong trường học. Kèm theo đó là chế tài thưởng, phạt cụ thể.

Xin cảm ơn ông!