Giải pháp nào ngăn chặn tư nhân hóa bệnh viện công lập?

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Sáng 3/10, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
 Toàn cảnh phiên giải trình.
Thiếu cơ chế kiểm soát dẫn đến lạm thu
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Qua giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội cho thấy, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức sự chủ ngày càng cao. Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tiến bộ. Người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao. Nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu - chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ rõ một số vấn đề nổi lên như: Văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất.
Đặc biệt, còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện T.Ư và TP. Riêng các bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương đã giảm từ 60-70% số giường nằm ghép. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo giải trình về các nội dung liên quan. 
Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018; chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn. Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8%.
Khó khăn trong thực hiện tự chủ, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trước hết ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.
Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, giá dịch vụ khám chữa bệnh là một trong những dịch vụ sự nghiệp công đi đầu trong việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo chủ trương của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên còn có nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, việc giám định các chi phí kết cấu trong giá, không thanh toán các chi phí chưa sử dụng hết định mức nhưng không bổ sung các chi phí chưa tính hoặc tính chưa đủ trong định mức và giá dịch vụ khám chữa bệnh là chưa phù hợp.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Giá dịch vụ y tế chưa thống nhất
GS.TS Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn Quốc hội TP Hà Nội) đặt vấn đề: Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi thì chưa được thu đủ, nhưng nơi thì thu thêm. Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính. "Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ cái này và bao giờ thì tháo gỡ xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?" - ông Trí chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến đại biểu nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?
"Ví dụ về vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng nhà nước quản về biên chế nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó" – Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần