Giải pháp nào cho nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, do đó lĩnh vực lao động chất lượng cao đang được xã hội quan tâm đặc biệt.

Trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các chính sách và các giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mà thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh về nền kinh tế tri thức.
 TS Nguyễn Thị Hoa Tâm cho rằng, cần phải đánh giá lại chất lượng lao động một cách chính xác. Ảnh: Huy Chương
Chất lượng lao động hiện nay cần phải đánh giá chính xác
TS Nguyễn Thị Hoa Tâm (trường ĐH Lao động - Xã hội) cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến gần hơn với sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và quản lý, vận hành doanh nghiệp. Vì vậy, đang đe dọa trực tiếp vào cơ hội làm việc của nhóm lao động đơn điệu. Theo đó, yêu cầu của công nghệ trong tương lai đang đặt ra những thách thức nhất định đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Cùng với đó TS Nguyễn Thị Hoa Tâm đã đặt ra những câu hỏi rằng: Liệu chất lượng việc làm có bắt nhịp cùng với quá trình hiện đại hoá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Nếu có thể thay đổi được chất lượng việc làm thì cần chuẩn bị những gì để thực hiện những thay đổi đó? Những thay đổi cần được thực hiện như thế nào để có thể đáp ứng được những yêu cầu đã đặt ra trong chiến lược phát triển của Việt Nam?
Để có thể trả lời được những điều đó, cần phải có những đánh giá thực trạng chất lượng việc trước tình cảnh nền công nghiệp chuyển đổi nhanh chóng hiện nay trở nên rất quan trọng. Việc đánh giá không chỉ giúp gia tăng nhận thức mà còn góp phần cho các hoạt động ứng phó của các bên liên quan tốt hơn trước những thay đổi nhanh chóng đó.
Hoạt động đánh giá đó đang được đặt trong bối cảnh nhiều yếu tố cần được xem xét cùng lúc như: Quan điểm chiến lược của chủ đầu tư; trình độ và tốc độ thay đổi kỹ thuật công nghệ hiện nay; bối cảnh kinh tế - xã hội mới nổi của nước ta; mức độ kỳ vọng của người lao động về chất lượng việc làm; các doanh nghiệp đã đáp ứng mức độ kỳ vọng cho người lao động đến đâu.
 Một nhà máy sản xuất bào bì hoàn toàn tự động ở Bình Dương. Ảnh: Huy Chương
Phải đào tạo người lao động tri thức toàn diện
Trong giai đoạn 2013 - 2018, riêng các tỉnh, TP khu vực phía Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0 (viết tắt là CMCN 4.0), thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa.
Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,... đang là yêu cầu cấp thiết.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên, ông Trần Tuấn Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế nêu ra những giả pháp đó là: Về các cơ sở đào tạo phải nắm chắc nhu cầu nhân lực mà xã hội đang cần, đặc biệt là nhu cầu nhân lực sẽ di chuyển trong 8 nhóm ngành của các nước Asean đồng thời chúng ta còn phải đáp ứng nhu cầu nhân lực cho toàn cầu.
Do đó, các cơ sở đào tạo phải có điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo phù hợp như các máy móc thiết bị phục vụ cho các ngành kỹ thuật, đối với các ngành kinh tế chúng ta phải ứng dụng được các nguyên lý mới trong kinh doanh thương mại, kinh doanh tài chính…
Như vậy, vấn đề đặt ra là không phải số lượng ào ạt mà các cơ sở đào tạo phải chọn lọc và bố trí lại công tác định hướng nghề nghiệp để cho học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
 Ông Trần Tuấn Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế. Ảnh: Huy Chương
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm, vấn đề hướng nghiệp hiện nay ở các trường đại học làm rất tốt, trong khi đó các trường cao đẳng, trung cấp làm chưa tốt.
Còn đối với người lạo động hiện nay nhất là thanh niên phải hiểu rằng bằng cấp chỉ là điều kiện để xây dựng cho chúng ta một kiến thức để hành nghề, bằng cấp không làm cho chúng ta sáng giá để tìm được những công việc có thu nhập cao. Vì vậy, học sinh phải chọn đúng ngành nghề phù hợp bao gồm nghề phù hợp và bằng cấp phù hợp.
Đặc biệt, phải rèn luyện được người lao động chất lượng cao đó là kỷ luật và tác phong công nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ và đặc biệt thành thạo ngoại ngữ giao tiếp. Ai nắm được các yếu tố đó thì có cơ hội việc làm rất cao, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp để thu hút được nhân lực chất lượng cao cần phải thay đổi. Vì hiện nay nguồn lao động là rất dồi dào nhưng trong đó số lượng lao động không có tay nghề, trình độ thấp rất nhiều, cùng với đó lao động có bằng cấp nhưng không có kỹ năng cũng không ít.
Doanh nghiệp phải xem người lao động là tài sản đặc biệt, do đó cần phải có chính sách phúc lợi xã hội tốt, luôn luôn phải đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động mới giữ được người lao động. Bên cạnh đó, chính bản thân người sử dụng lao động cũng phải thay đổi nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, việc thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin là chìa khóa quan trọng, giúp người lao động tiếp cận với nền tri thức tiên tiến, hỗ trợ đắc lực cho công việc. Một khi đã nắm vững ngoại ngữ, tin học cộng với năng lực chuyên môn tốt người lao động có thể hội nhập một cách dễ dàng vào thị trường lao động.