Giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em: Tránh góc khuất

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên diễn đàn Quốc hội, khi bàn về giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, một ĐB đã thẳng thắn chỉ ra những góc khuất của hành vi xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra công khai và được cổ súy, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc của văn hóa. Đó là các gameshow thiếu nhi, chương trình thực tế trên truyền hình.

 Ảnh minh họa
Phát biểu và những phân tích của ĐB cũng là điều nhiều người dân đồng tình, cùng nhìn nhận. Thực tế vấn đề này cũng đã đề cập đến rất nhiều lần, nhưng các gameshow dạng để trẻ “ăn thua” nhau này đang xuất hiện ngày càng nhiều. Bấm một lượt qua các kênh truyền hình, nhất là ở khung giờ vàng, sẽ liên tục bắt gặp những chương trình lấy trẻ em làm đối tượng khai thác trên sóng truyền hình. Cá biệt hơn, ở một vài chương trình, cuộc sống tâm lý và cả cuộc sống riêng tư của trẻ còn bị khai thác triệt để cho mục đích kiếm tiền của nhà sản xuất. Hoặc ở không ít chương trình ca nhạc, thời trang dạng thi tuyển, các em được diện những trang phục nhiều lúc không hợp tuổi, tạo dáng, trình diễn những bài hát người lớn, theo phong cách người lớn… khiến người xem có cái gì đó rất gợn.
Sẽ không có gì phải bàn nhiều nếu thí sinh nhí tham gia các chương trình này vì đam mê, yêu thích và chương trình có nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Qua đó để nâng cao tính hiểu biết, sự tự tin cũng như phát triển các tài năng riêng của trẻ, dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ. Nhưng điều đáng nói là, phần lớn chương trình không nghiêng về tính giáo dục, mà chủ yếu là giải trí, khai thác các khả năng của trẻ em cho những mục đích thương mại của nhà sản xuất. Có thể có ý kiến cho rằng, đây là giải trí. Thực sự giải trí cũng cần thiết nhưng quá nhiều dẫn đến bội thực và đặc biệt là khai thác hình thể, tâm lý của trẻ theo chiều hướng tiêu cực quả là vấn đề cần suy ngẫm.
Đã từng có phụ huynh đặt câu hỏi, liệu đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình? Không ít kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất. Đó có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần, xâm hại trẻ em hay không?
Thông tin được chính ĐB đưa ra, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn. Thực sự, đã đến lúc cả các nhà quản lý, nhà sản xuất, các đơn vị liên quan và chính các bậc phụ huynh cũng nên có sự nhìn nhận lại và quan tâm hơn đến vấn đề này. Tránh góc khuất, đừng để hình ảnh con trẻ bị lạm dụng hoặc phát triển theo chiều hướng tiêu cực bởi sự mong mỏi vật chất và danh tiếng của người lớn.