Giải pháp xây dựng xanh với công nghệ bê tông tiền chế

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/7, tại Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, Công ty CP Đầu tư Phan Vũ và Hội Công nghệ Bê tông Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ bê tông tiền chế – Giải pháp thân thiện môi trường trong xây dựng tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ, Bộ Xây dựng luôn tiếp thu hoàn thiện, đổi mới đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt về kỹ thuật đối với các doanh nghiệp sản xuất bê tông.
“Hội thảo được tổ chức bên cạnh câu chuyện công nghệ được chia sẻ, chúng tôi rất mong muốn các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến về các tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan để xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến vấn đề bê tông ngày càng hoàn thiện hơn”- ông Lê Trung Thành cho hay.
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai tham luận tại Hội thảo.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, vật liệu bê tông chiếm số lượng rất lớn trong nhóm vật liệu xây dựng và công nghệ bê tông hiện chiếm thị phần lớn trong khoa học công nghệ của ngành xây dựng. Do đó, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển về công nghệ vật liệu bê tông rất cần thiết để sản xuất được những vật liệu thân thiện với môi trường. Công nghệ bê tông ứng suất bán tiền chế (công nghệ PC) trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất ra các vật liệu như thép, xi măng và các phụ gia bê tông có chất lượng cao là công nghệ xây dựng hiện đại.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corporation) cho biết, Xuân Mai hiện là đơn vị duy nhất ứng dụng công nghệ bê tông dự ứng lực bán tiền chế và công nghệ sản xuất tấm tường Acotec. Đây là các công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường, đặc biệt phù hợp với các công trình cao tầng ở Việt Nam. Tấm tường bê tông rỗng Acotec đã được sử dụng trên 30 quốc gia (Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan…) khắc phục triệt để các hạn chế của gạch đất sét nung và gạch xây không nung. Đây là tiền đề để nhà máy tấm tường Acotec – Xuân Mai sản xuất theo công nghệ hiện đại của hãng Elematic – Phần Lan ra đời vào tháng 11/2015. Hiện tại, dây chuyền 1 và 2 của nhà máy đang hoạt động với công suất 600.000m2 tấm tường/năm. Mục tiêu đến năm 2018, Xuân Mai sản xuất ra 1.200.000m2 tấm tường/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng không nung nói chung và tấm tường nói riêng tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Tại hội thảo, nhiều câu hỏi liên quan đến việc tại sao vật liệu xây dựng tự nhiên vẫn ít đất phát triển hơn so vật liệu truyền thống? Trả lời câu hỏi này, theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam, thật chất vấn đề nằm ở thói quen. Việc thay thế cái cũ bằng cái mới bao giờ cũng khó khăn. Hiện nay, chưa có một tính toán cụ thể và thật sự sâu sắc nào để chỉ rõ câu chuyện đắt - rẻ khi sử dụng vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên, loại vật liệu này rõ ràng có tính năng vượt trội lâu dài khi ứng dụng vào xây dựng công trình xanh. Cụ thể, tấm tường Acotec hiện nay giá thành cao hơn so với gạch thông thường. Nhưng khi ứng dụng loại gạch này vào xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ tăng độ bền cao hơn. Khả năng chịu ẩm, chịu nhiệt, cách âm, cách nhiệt và chống cháy cao. Do có độ rỗng cao và chiều dày nhỏ nên trọng lượng trên 1m2 tấm tường rỗng nhẹ hơn tường gạch 2-3 lần giúp giảm tải trọng, tiết kiệm chi phí cho kết cấu chịu lực như: móng, dầm, sàn. Tốc độ thi công nhanh hơn gấp 5 lần so với gạch truyền thống và gấp 2 lần so với tường gạch bê tông, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí nhân công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần