Giải phóng vị trí việc làm trong khu vực công để tạo cơ hội cho những người ưu tú

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chính sự chiếm dụng vị trí việc làm trong khu vực công lập bởi những công chức yếu kém là một nguyên nhân khiến những người tinh hoa, ưu tú khó tìm được cơ hội thể hiện tài đức, khát vọng cống hiến trong bộ máy công quyền”, PGS.TS Lê Minh Thông thẳng thắn bày tỏ.

Tại Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay (17/7), đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ quan điểm về nhân tài, kinh nghiệm, những khó khăn thách thức cũng như đề xuất giải pháp để xây dựng cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở nước ta.
Quang cảnh Hội thảo
Trong đó, nhiều ý kiến đánh giá, việc ban hành "Đề án Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, có định hướng chung thời gian tới ở nước ta là rất cần thiết.
Bởi thời gian qua, nước ta chưa có văn bản cụ thể quy định về vấn đề này mà nằm rải rác trong các luật, nghị định, nghị quyết... nên chưa có tính thống nhất, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa đồng bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Những nội dung đề ra trong Đề án cũng là cơ sở để tiếp tục xây dựng thể chế trong thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian tới.
TS. Dương Quang Tung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) nêu quan điểm: Để thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công, không chỉ cần quan tâm đến vấn đề đãi ngộ mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ sử dụng, bồi dưỡng, đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi… và quan trọng là người đứng đầu phải biết sử dụng nhân tài đúng với năng lực, sở trường, biết phát huy tính chủ động, sáng tạo của họ, tạo môi trường thuận lợi để họ có thể cống hiến cao nhất.
“Việc nhận thức và có những quyết sách đúng đắn, phù hợp về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy công cuộc hành chính, bộ máy nhà nước và các lĩnh vực sự nghiệp, dịch vụ công ở nước ta trong bối cảnh mở cửa hội nhập”, TS. Dương Quang Tung nhấn mạnh.
Đáng chú ý, PGS.TS Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhận định: Trong điều kiện hiện nay, nếu chúng ta không trọng dụng, giữ và tạo môi trường cho nhân tài phát triển thì sẽ thất bại, nên cần học sâu sắc bài học của ông cha “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Cũng đừng trừu tượng hóa, máy móc nhân tài trở thành khái niệm rất khó xác định, mà cần quan niệm nhân tài ở nhiều cung bậc, cấp độ khác nhau, chứ không chỉ là một nhóm người, thì mới có ứng xử cho đúng, mới trân trọng được từng biểu hiện của tài năng. Cần biết trân trọng phát hiện từng cấp độ nhân tài để nuôi dưỡng, không nên có một mặt bằng chung về chính sách nhân tài mà chính sách phải đa tầng.
Đặc biệt, PGS.TS Lê Minh Thông bày tỏ lo ngại, nhiều người tài trong giới trẻ hiện không muốn vào khu vực công, mà nguyên nhân được nhiều sinh viên tốt nghiệp chia sẻ là do khu vực này có nhiều bất ổn, từ việc đãi ngộ hạn chế cho đến vấn đề uy tín thấp.
“Nhiều vụ bê bối gần đây ngay từ cấp phường, khiến hình ảnh công chức ở chỗ này chỗ kia được cảm nhận là không ổn, do có biểu hiện tiêu cực như tham nhũng, không gương mẫu, sách nhiễu người dân đến làm thủ tục hành chính, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”… Rõ ràng, chất lượng công chức ở nhiều nơi nước ta đang “có vấn đề” là một nguyên nhân gây nên bất ổn trong khu vực công. Trong khi ở các nước, công chức Nhà nước là tinh hoa.
Bởi vậy, chúng ta cần quan niệm rõ ràng: Phải là tinh hoa thì mới vào được khu vực công, mới trở thành công chức. Chính sự chiếm dụng vị trí việc làm trong khu vực công lập bởi những công chức yếu kém là một nguyên nhân khiến những người tinh hoa, ưu tú khó tìm được cơ hội thể hiện tài đức, khát vọng cống hiến trong bộ máy công quyền”, PGS.TS Lê Minh Thông thẳng thắn.
PGS.TS Lê Minh Thông bày tỏ quan điểm.
Từ đó, PGS.TS cho rằng, cần khẩn trương rà soát lại khu vực công để thanh lọc khỏi bộ máy những công chức, viên chức yếu chuyên môn, kém trình độ, thấp về đạo đức, để giải phóng vị trí việc làm cho những người tinh hoa, ưu tú có cơ hội vào làm việc trong khu vực này; tạo nên thay đổi về chất nhân sự trong khu vực công theo thông lệ quốc tế.
Như vậy, mới lấy lại lòng tin của xã hội, nâng uy tín của khu vực công lên. Cùng với đó, cần xây dựng hình ảnh người đứng đầu thực sự có nhân cách, biết quy tụ người tài. “Tài năng chỗ nào cũng sống được, nên để họ vào cơ quan của mình thì trước hết phải làm cho họ tin mình, có thể cống hiến được trí tuệ, kỹ năng”, PGS.TS Lê Minh Thông khẳng định.
Đến từ một địa phương có nhiều chính sách tốt trong thu hút, trọng dụng nhân tài, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng chia sẻ: Xác định thách thức rằng lĩnh vực tư nhân với môi trường làm việc năng động, linh hoạt, chế độ tiền lương hấp dẫn ngày càng thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao từ khu vực công, Đà Nẵng tới đây sẽ mở rộng hình thức, đối tượng trong thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh thu hút đối tượng đến làm việc lâu dài, một giải pháp là TP sẽ bổ sung thu hút những chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhằm tạo cơ chế cho các cơ quan chủ động trong đăng ký tiếp nhận đối tượng thu hút làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian phục vụ những chương trình, dự án nghiên cứu cụ thể của TP. Để giữ chân người tài, TP cũng sẽ tạo điều kiện cho họ tham gia vào các dự án lớn của địa phương, qua đó tiến cử để bồi dưỡng và định hướng phát triển, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần