Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Phối hợp chặt chẽ, đeo bám đến cùng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân, kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật đã giúp hầu hết quyết định, kết luận liên quan đến lĩnh vực này trên địa bàn TP được thực hiện nghiêm. Song bên cạnh đó vẫn còn tình trạng chưa kịp thời, dứt điểm trong tổ chức thực hiện công tác này, một số vụ việc tồn đọng lâu ngày do thiếu phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương.

 Cử tri quận Hà Đông phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND TP tháng 7/2018. Ảnh: Công Hùng
Nhiều vụ việc được giải quyết
Theo rà soát của UBND TP, tại các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp từ thứ 2 đến thứ 5 HĐND TP, TP đã tổng hợp được 1.582 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Từ đó, UBND TP kịp thời giao các sở, ngành, quận, huyện tập trung giải quyết. Qua ghi nhận bước đầu cho thấy, đến nay hơn 80% đã được giải quyết.
Đáng chú ý, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn TP đã chuyển biến tích cực, kịp thời giải quyết vụ việc mới phát sinh. Thủ trưởng các địa phương, đơn vị đã tăng cường tiếp dân, đối thoại để giải quyết khiếu nại đúng luật, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp. Đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu về đất đai, quản lý đô thị… song chất lượng giải quyết được nâng cao.
Cụ thể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn TP có 571 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, cơ quan chức năng đã thực hiện dứt điểm 446 quyết định, còn lại đang thực hiện. Trong số 526 thông báo kết luận giải quyết tố cáo phải tổ chức thực hiện, đã có 316 kết luận được giải quyết dứt điểm, còn lại đang được thực hiện. Trong 200 vụ việc theo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy (NQ15), hơn 50% cũng được giải quyết xong...
Điển hình địa bàn Đông Anh rộng, dân số rất lớn, đô thị hóa nhanh nhưng với sự phân công rõ người rõ việc, nên một năm qua đã giải quyết gần nửa số kiến nghị của cử tri, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực và các vụ việc thuộc NQ15.
Hay tại quận Hai Bà Trưng, qua TXCT của đại biểu HĐND TP gần đây thể hiện rất ít bức xúc kéo dài trong Nhân dân. Có những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng lâu đã được quận giải quyết, nhất là 9/13 vụ việc theo NQ15 đã có kết quả. Những kết quả này góp phần giúp tư tưởng người dân ổn định, đồng thuận.
Còn ngại va chạm, thiếu phối hợp
Dù đã đạt kết quả nhất định nhưng theo UBND TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong 571 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, toàn TP vẫn còn khoảng 20%, và với 526 thông báo kết luận phải tổ chức thực hiện vẫn còn gần 40% đang trong quá trình thực hiện. Đặc biệt trong 200 vụ việc phức tạp theo NQ15 trên toàn TP, vẫn còn gần một nửa chưa giải quyết xong, với đa số thuộc thẩm quyền cấp huyện, một số vụ tiềm ẩn phức tạp, khiếu kiện đông người.
Đáng chú ý qua khảo sát mới đây, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP nhận định: Các quận, huyện rất cố gắng, song không ít kiến nghị cử tri và vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa có phối hợp chặt giữa các cấp, ngành, dẫn đến giải quyết chậm, kéo dài. Như tại Đông Anh, theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai, nhiều vụ việc huyện đã làm hết trách nhiệm nhưng lại bị tồn ở một số Sở do chưa tích cực giải quyết.
Đề nghị các cấp, ngành có giải pháp đẩy nhanh giải quyết những vụ việc tồn đọng; nếu vẫn không chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể nào, bao giờ xong thì HĐND TP sẽ có cách xử lý từng vụ việc. Ban Pháp chế và các đơn vị thống nhất số liệu, phân loại những vụ còn lại thuộc trách nhiệm ở đâu, để HĐND TP làm việc cụ thể với UBND TP và ban hành nghị quyết về công tác này, thực hiện giám sát hàng năm.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc
Nhiều dự án, mặc dù huyện không ít lần mời chủ đầu tư ra làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác. Dẫn chứng trong 27 kiến nghị của cử tri huyện với TP, còn tới 19 nội dung vẫn nằm ở Sở TN&MT, NN&PTNT, GTVT… chưa được giải quyết, trả lời thỏa đáng. Dự án trung tâm giao lưu hàng hóa triển khai 11 năm chưa xong.
Hay tại Phú Xuyên, trong 47 thông báo kết luận giải quyết tố cáo, 7 vụ việc phức tạp theo NQ15 thì vẫn còn 21 thông báo, 4 vụ việc đang được thực hiện, giải quyết. “Để tồn tại này, có phần trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao chỉ đạo, đơn vị tham mưu giải quyết đơn thư”- Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Công thừa nhận.
Đoàn giám sát đánh giá một số quận, huyện tồn nhiều nội dung liên quan đến bức xúc dân sinh. Có nguyên nhân do ngại va chạm, giải quyết chưa thấu tình đạt lý, người đứng đầu một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức giải quyết khiếu nại tố cáo, trình độ cán bộ yếu, khiến vụ việc kéo dài ít nhất vài năm. Nhiều vụ tố cáo được Ban Pháp chế HĐND TP kết luận phải thực hiện xong trong 2017 nhưng nay chưa hoàn thành.
Cùng nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo nhiều huyện còn chia sẻ khó khăn lớn do một số chính sách đất đai chưa phù hợp. Tình trạng phổ biến ở các quận “lõi” lại là thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực về trật tự xây dựng gặp khó bởi nhiều vi phạm tồn tại do lịch sử, người dân sau thời gian dài mới khiếu kiện, khi nhiều quy định đã thay đổi. Lãnh đạo quận Hoàng Mai phản ánh, địa bàn có hơn 80 dự án phải GPMB ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, trong khi chính sách đền bù bất cập, lại khó thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại về GPMB bởi dự án đã xong, khó bố trí vốn chi trả (dự án thoát nước, Vành đai 3…)…
Chính quyền cần minh bạch, lắng nghe dân
Từ thực tế hiện nay, nhiều lãnh đạo quận, huyện kiến nghị TP tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức không chỉ của cán bộ, công chức mà cả người dân về giải quyết khiếu nại, tố cáo; sớm xây dựng phần mềm quản lý đơn thư thống nhất toàn TP; chỉ đạo các sở liên quan phối hợp với địa phương gỡ vướng giải quyết dứt điểm những vụ phức tạp kéo dài. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh còn đề xuất có chế tài xử lý đối tượng đã có quyết định xử lý cuối cùng nhưng cố tình đeo bám khiếu kiện làm tình hình phức tạp hơn, đồng thời quy định cụ thể xử phạt người tố cáo sai sự thật.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, những đơn vị đã nhận trách nhiệm, cam kết thời gian giải quyết xong các vụ việc tồn đọng quá lâu thì không thể tiếp tục lỡ hẹn, đoàn sẽ tái giám sát. Đặc biệt, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, một số vụ việc kéo dài dù trong đó chỉ còn một việc rất nhỏ, cũng do cấp ủy chỉ đạo nhưng bên dưới triển khai chưa triệt để. Nên, các quận, huyện cần căn cứ quy định, NQ15 để phân loại vụ việc, tập trung chỉ đạo, không để phát sinh mới. Với những vụ tồn đọng phải phân công, lộ trình cụ thể; cần thì đối thoại với Nhân dân ngay từ cơ sở, tránh phức tạp thêm.
“Cả hệ thống vào cuộc mà đứng đầu là Bí thư, Chủ tịch từng địa phương, phối hợp chặt hơn với sở, ngành để giải quyết dứt điểm từ đầu. Nhất là bố trí cán bộ tiếp dân phải làm được việc, ân cần, nắm chắc luật, tránh gây bức xúc. Từng vụ việc có cách làm riêng, nhưng đều phải trên tinh thần đổi mới điều hành của chính quyền các cấp theo hướng minh bạch, lắng nghe dân, đúng luật. Trong quá trình đó, quận, huyện thúc tiến độ, đeo bám đến cùng những vụ việc thuộc thẩm quyền sở, ngành. Ngược lại sở, ngành phải quyết liệt vào cuộc, từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP”- Chủ tịch HĐND TP nêu rõ, và nhận định: Nhiều quận, huyện mỗi năm giải quyết được 40 - 50% vụ khiếu nại, tố cáo nhưng số khiếu nại cũng tăng 50%. Như vậy vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đòi hỏi quyết tâm, đánh giá đúng để chỉ đạo phù hợp, quy rõ trách nhiệm từ người đứng đầu các cấp.