Giải quyết nhanh các vụ việc, ổn định tình hình, tạo lòng tin cho Nhân dân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/7, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã giám sát việc thực hiện các văn bản kết luận sau thanh tra công vụ; thông báo kết luận giải quyết tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn quận Tây Hồ.

Báo cáo của UBND quận Tây Hồ cho thấy, tình hình đơn thư phát sinh tại quận Tây Hồ từ đầu năm 2016 đến nay giảm, số vụ khiếu nại đông người ít dần. Trong đó, quận đã triển khai 8 cuộc thanh tra công vụ, 6 cuộc thực hiện xong dứt điểm, 2 cuộc đang tiếp tục tiến hành; thực hiện xong dứt điểm 3 quyết định giải quyết khiếu nại; thực hiện xong dứt điểm 3 kết luận giải quyết tố cáo.
Phó Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Bích Thủy phát biểu tại buổi giám sát.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, quận Tây Hồ đã tích cực chỉ đạo thực hiện các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo, song vẫn còn một số trường hợp giải quyết chưa đúng thời hạn quy định nên phát sinh khiếu nại nhiều lần. Tính đến thời điểm tháng 6/2017, quận Tây Hồ vẫn còn 2 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật chưa được thực hiện. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và các kết luận nội dung tố cáo ở một số đơn vị còn chậm. Quy định của pháp luật về Thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra, nhất là chưa có các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục, xử lý sau thanh tra.
Quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu quả của nó thường không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan thanh tra kiến nghị. Tại một số đơn vị, việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, kết luận nội dung tố cáo còn thực hiện chưa đúng vẫn, nhiều quyết định chậm thực hiện, giải quyết không dứt điểm dẫn đến bức xúc cho công dân. Để xảy ra tình trạng này là do việc thiếu quan tâm của người đúng đầu một số đơn vị. Tuy nhiên, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm thực hiện, không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng chưa được thực hiện nghiêm túc và triệt để.
Kết thúc buổi giám sát, Phó Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Bích Thủy đã ghi nhận những cố gắng của UBND quận trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quận Tây Hồ đã được cả hệ thống chính trị quan tâm; các phòng, ban thuộc quận đã có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo công tác giải quyết đơn thư. Phó Trưởng ban Pháp chế đề nghị một số vụ việc đã giải quyết xong cần ban hành văn bản kết thúc vụ việc; một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của quận chưa giải quyết triệt để, cần tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm; số liệu cập nhật ở các bảng biểu cần sắp xếp theo lộ trình, thời gian, giải quyết để xem xét trách nhiệm, thẩm quyền của các cá nhân, đơn vị liên quan, từ đó, có biện pháp khắc phục giải quyết triệt để.
“Quận Tây Hồ cần xác định lộ trình cụ thể đối với các vụ việc đang giải quyết, tồn đọng; thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND TP tiếp tục giám sát để giúp địa phương giải quyết nhanh các vụ việc, ổn định tình hình, tạo lòng tin cho nhân dân”, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP lưu ý.