Giải quyết thủ tục BHXH: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phục vụ người dân và DN tận tình, chu đáo, trên tinh thần hiện đại hóa nền hành chính công là mục tiêu mà ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội hướng tới. Trong thời gian qua, những nỗ lực cải tiến, đổi mới luôn được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Để người dân hài lòng
Dù đã hết giờ hành chính, nhưng bộ phận Một cửa của BHXH quận Tây Hồ (Hà Nội) vẫn còn nhiều người đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Anh Trần Văn Nam (phường Liễu Giai) chia sẻ: “Tôi đến để nhờ tư vấn kỹ hơn về chính sách BHYT cũng như cách đổi thẻ BHYT, được nhân viên tại đây hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo”. Còn chị Nguyễn Thùy Mai (phường Yên Phụ) cho biết: “Quá bận việc, nên hết giờ hành chính tôi mới có mặt ở đây để giải quyết chế độ BHXH, tưởng phải quay về, nhưng rất may, cán bộ, nhân viên BHXH quận vẫn niềm nở, tư vấn và giải quyết thủ tục giúp tôi”.
 Khám cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đề cập đến những đổi thay ở BHXH quận Tây Hồ, Giám đốc Võ Kim Anh chia sẻ, ngành BHXH luôn lấy người dân là mục tiêu phục vụ, tạo điều kiện tối đa cho người dân đến làm thủ tục. “Chúng tôi xác định không làm hết giờ, mà làm việc đến khi nào hết đối tượng khách hàng cần giải quyết, không để ai đến rồi phải quay về. BHXH quận Tây Hồ còn tổ chức làm việc vào thứ Bảy để giải quyết thủ tục cho người dân”.

Sáng 29/6, tại buổi gặp mặt báo chí, ông lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tính đến tháng 6/2018, cả nước có hơn 81,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT từng bước được cải thiện, người dân hài lòng hơn khi được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được BHYT chi trả. Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho y tế cơ sở, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân trong từng hộ gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu phòng chống dịch bệnh, quản lý các bệnh mãn tính không lây nhiễm gắn với nguyên lý y học gia đình, người dân không phải vượt tuyến, giảm chi phí. (Hải Lý)

Còn tại BHXH quận Hai Bà Trưng, cơ sở tuy chật hẹp nhưng vẫn dành tầng 1 và tầng 2 cho bộ phận Một cửa để thuận tiện cho đối tượng đến giao dịch. Hiện bộ phận này có 15 cán bộ túc trực. Bà Nguyễn Diễm Ngọc - Giám đốc BHXH quận cho biết: Mặc dù công việc bận rộn, áp lực, nhưng cán bộ Một cửa vẫn tích cực rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng, BHXH quận đã huy động cán bộ nhân viên làm việc cả ngoài giờ, ngày nghỉ. “Cải cách TTHC không phải do mệnh lệnh hành chính cấp trên yêu cầu, mà từ chính áp lực công việc, từ đòi hỏi thực tiễn của công tác BHXH, BHYT hiện nay. Song chúng tôi đã biến áp lực thành động lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao” - bà Ngọc nhấn mạnh.

Giải quyết thủ tục theo quy trình khép kín

Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn đã chuyển biến tích cực. Trong đó, cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành được đẩy mạnh, tạo hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, trước đây, khi thực hiện công việc theo cách thủ công, thường có tình trạng khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Năm 2012, UBND TP đã đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận Một cửa tại BHXH Hà Nội và BHXH các quận, huyện, thị xã. Từ dự án này, trụ sở BHXH Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã có hệ thống Một cửa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phần mềm phục vụ việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi cho khách đến giao dịch. Năm 2016, BHXH TP được BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với các vụ, ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc. 100% thủ tục hành chính đã được tiếp nhận và trả kết quả thông qua hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”. Hồ sơ được luân chuyển giữa các phòng nghiệp vụ và BHXH các địa phương theo quy trình khép kín, bởi vậy, tỷ lệ hồ sơ trả chậm chỉ khoảng 3% (năm 2013 là 20%), không còn tình trạng thất lạc hồ sơ.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đó là cơ sở quan trọng để BHXH TP đạt mục tiêu đề ra: Đạt tỷ lệ bao phủ BHYT ở mức 85,3% và có hơn 80% số DN trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT; phấn đấu giảm nợ BHXH xuống dưới 3,5%, kiểm soát chặt chẽ quỹ BHYT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần