Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: Vì sao mất mùa?

Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao Giải thưởng năm 2017 của Hội. Đáng nói là 2 lĩnh vực trọng tâm của văn học (thơ và văn xuôi) năm nay không có tác phẩm đoạt giải. Sự "mất mùa" này đang tạo ra tranh cãi giữa tác giả - bạn đọc và Ban Giám khảo.

Không có giải… lại vui
Theo công bố của Hội Nhà văn Việt Nam, năm nay không có tác phẩm văn xuôi, thơ được trao Giải thưởng thường niên của Hội. Hội chỉ trao giải cho 2 tác phẩm lý luận phê bình và một tác phẩm dịch, đó là tập tiểu luận phê bình “Bóng người trong bóng núi” của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; tập lý luận phê bình “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu; tập kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của Aleksander Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn. Ngoài ra, bộ sách văn học thiếu nhi 18 tập của nhà văn Vũ Hùng đoạt Giải thưởng Sự nghiệp - một giải thưởng mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Bộ sách từng nhận giải Vàng tại Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho các tác giả lĩnh vực phê bình lý luận và dịch thuật 2017. Ảnh: Khánh Linh
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Năm nay, không có tác phẩm thơ và văn xuôi đoạt giải vì một số cuốn chất lượng tốt, nhưng là sách tái bản nên không đưa vào xét chọn, một số tác phẩm khác trùng với mô típ của văn học nước ngoài. Ngoài ra, còn một vài tác phẩm đủ tiêu chuẩn xét giải nhưng chất lượng chưa đủ để thuyết phục hội đồng chuyên môn, số phiếu giành được rất thấp”. Bên lề buổi tổng kết và trao giải, nhiều nhà văn, nhà thơ nhìn nhận tích cực kết quả này. Bởi nhiều năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho nhiều tác phẩm, nhưng sau đó không ai nhớ đến, hoặc để xảy ra những lùm xùm từ chối nhận giải vì tác giả không phục. Thực tế, giải thưởng lĩnh vực thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã 3 năm liền “trắng” giải thưởng, nhưng đây là năm đầu tiên cả thơ và văn xuôi thất thu.

Khó tránh khỏi tranh luận

Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam chứng kiến không ít "gạch đá" vì giải thưởng. Năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái từ chối tặng thưởng của Hội cho tập truyện ngắn “Tự sự 265 ngày”. Năm 2006, nhà thơ Ly Hoàng Ly gửi thư đến Hội xin từ chối tặng thưởng dành cho tập “Lô Lô”. Năm 2006, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ chối nhận giải thưởng của Hội cho tập thơ “Thương lượng với thời gian”. Năm 2012, làng văn lại dậy sóng bằng việc nhà văn Y Ban viết thư ngỏ, công kích Ban Giám khảo khi để tác phẩm “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của chị chỉ được tặng Bằng khen. Ngoài những lần tác giả từ chối giải thưởng, thì cũng không ít lần nhà văn, nhà thơ viết thư công kích Ban Giám khảo không đủ tầm nên trao giải cho các tác phẩm còn đuối về giá trị nghệ thuật và cảm xúc.

Thực tế, nhìn vào mặt bằng thơ năm 2017, nhiều người tiếc cho tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền. Tập thơ được đánh chất lượng nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Nhưng theo nhà thơ Trần Ninh Hồ - Chủ tịch Hội đồng thơ, tập thơ chưa đủ thuyết phục số đông Ban Giám khảo. Vấn đề nổi lên ở giải thưởng thơ 2017 chính là: Sự chênh vênh giữa cách tân và truyền thống. Ngoài ra, trong lĩnh vực văn xuôi, nhiều người cũng nhắm đến cuốn “Con chim joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Nhưng tác phẩm này đã bị loại từ vòng ngoài vì là sách tái bản. Những lý do không trao giải cho các tác phẩm đã được Hội đồng thơ, Hội đồng văn xuôi giải thích. Tuy nhiên, văn học phải đánh giá bằng định lượng mà bằng định tính cảm xúc. Chính vì vậy, dù kết quả nào thì khó mà tìm được điểm gặp tuyệt đối giữa nhà văn – bạn đọc và Ban Giám khảo, nên tranh luận sau giải thưởng là điều không tránh khỏi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần